Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2009

Ngược đường Thiên Lý

Giao ban Kỹ thuật hình sự 8 tháng đầu năm 2009 tổổ chức vào ngày 18/9 được Công an tỉnh Lạng Sơn đăng cai. Ngoài tôi, Hoàng Anh (trợ lý tổng hợp) và lái xe Hiệu còn có vợ tôi. Đây là lần đầu tôi “mang cơm nắm” đi hội nghị bởi vợ tôi đã nhận quyết định nghỉ hưu từ tháng 8.

6 giờ sáng ngày 17/9/2009 chúng tôi xuất phát từ Lào Cai. Tới Phố Ràng ăn sáng, nghỉ trưa tại Việt Trì đến Bắc Thắng Long rẽ sang và theo đường 1 lên Lạng Sơn.

Quốc lộ 1A (viết tắt QL1A) hay Đường 1 với tiền thân của con đường xuyên Việt này mang tên đường Thiên Lý. Đây là con đường giao thông huyết mạch nối liền từ vùng biên ải đến kinh thành Thăng Long và xuống phía nam. Đây cũng là con đường giao lưu chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội giữa các triều đại phong kiến Việt Nam với các triều đại phong kiến Trung Quốc. Dọc hai bên đường đã từng diễn ra nhiều trận đánh lịch sử để bảo vệ biên cương chống lại kẻ thù từ phương bắc của nhiều thế hệ quân dân Việt Nam. Về sau cùng với sự cai trị của người Pháp con đường được mở rộng, nâng cấp. Đây là đường giao thông xuyên suốt Việt Nam. Quốc lộ bắt đầu (km 0) tại cửa khẩu Hữu Nghị Quan trên biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc và kết thúc điểm cuối (km 2301 + 340m) tại thị trấn Năm Căn huyện Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau. Quốc lộ dài 2.301,340 km; đi qua 32 tỉnh và thành phố.Quốc lộ 1A trong suốt lịch sử của nó đã thúc đẩy sự phát triển của các địa phương mà nó đi qua nhưng bản thân nó lại không được phát triển. Vì vậy QL1A đã không đáp ứng được nhu cầu lưu thông của thời hiện tại nên từ 2005 đã được làm mới. Đường mới không đi qua khu dân cư như đường cũ. Bởi chưa có quyết định thay đổi tên đường nên các đoạn mới làm được gọi tạm là Quốc lộ 1A mới.

Đường khá tốt: mặt đường rộng 10-12 m, thảm bê tông nhựa và hệ thống cầu vượt nên chạy nhanh. Từ sân rìa sân bay Nội Bài (km 170) qua Bắc Ninh (km 139) và Bắc Giang (km 119) đến địa phận Lạng Sơn (km 16). Qua điện thoại, tôi biết một số đoàn, như Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, C21B đã và đang dừng chân nghỉ tại Phòng KTHS Bắc Ninh, Bắc Giang. Đoàn tôi đi thẳng.

Khi đi qua Ải Chi Lăng, càng nhận rõ sự hiểm trở nơi đây và chợt nhớ tới chiến công của cha ông và cũng thầm cảm phục con mắt tinh tường của Phan Sư Mạnh khi ông viết trong Chi Lăng động 支陵洞 là: 支陵關險與天齊 Chi Lăng quan hiểm dữ thiên tề (Chi Lăng ải hiểm tựa lên trời). Đây là một ải thuộc xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn trên quốc lộ 1A từ Hà Nội đi Lạng Sơn theo hướng Đông Bắc từ Trung châu Bắc Bộ. Ải cấu thành từ một thung lũng hẹp ép giữa hai dãy núi, phía Đông là dãy núi đất Bảo Đài-Thái Họa và phía Tây là núi đá Kai Kinh (Cai Kinh) dựng đứng. Con sông Thương ngoằn nghoèo chảy dọc theo thung lũng, bên con đường quốc lộ số 1A mà trước kia là đường cái quan lên biên giới, xuôi về kinh đô. Những ngọn núi thấp rải rác dọc thung lũng và trấn ven đường cái quan như núi Hàm Quỷ, núi Phượng Hoàng, núi Kỳ Lân, núi Mã Yên. Đóng khóa hai đầu của thung lũng, nơi hai vòng cung núi đất phía Đông và núi đá phía Tây khép lại, là lũy Ải Quỷ phía Bắc và núi Ngõ Thề phía Nam, khoanh kín trong lòng một ải quan dài 5km, rộng khoảng 3km. Tại Ải Chi Lăng còn có Thành Chi Lăng ở vào cây số 109 tính từ Hà Nội và tới cây số thứ 154 thì tới tỉnh lỵ Lạng Sơn. Thành này do quân xâm lược nhà Minh (明朝, 1368 - 1644) đắp có chu vi 154 trượng và cao 5 thước, nay chỉ còn nền cũ. Ở gần cửa Nam của thành còn phiến đá khắc chữ 皇壯二十队 Hoàng tráng nhị thập đội (nơi trú đóng của đội quân Hoàng tráng thứ 20). Phía nam Ải Chi Lăng có hai khối đá lớn, một khối có hình dáng giống như thanh kiếm khổng lồ gọi là Lê Tổ kiếm (thanh kiếm của vua Lê Thái Tổ) và Liễu Thăng thạch. Gần và gắn với Ải Chi Lăng là Quỷ Môn Quan có quan lộ hẹp, núi đá hiểm trở, sông sâu nước độc, là một tử địa vì quy mô hoành tráng, đồ sộ, địa thế hiểm yếu 十人去一人完 thập nhân khứ, nhất nhân hoàn (10 kẻ đi chỉ 1 kẻ quay về được).

Lịch sử đã chọn lựa Ải Chi Lăng như một địa danh đặc biệt gắn với sự nghiệp dựng nước và giữ nước, đấu tranh chống các triều đại phong kiến Trung Quốc xâm lược của dân tộc Việt Nam. Ải Chi Lăng đã gắn liền với những hoạt động của các nhà quân sự tài năng như Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn và những thủ lĩnh của xứ Lạng như Phò mã Thân Cảnh Phúc, Thế Lộc, Hoàng Ðại Huề và luôn là bức tường thành từ xa của kinh đô Thăng Long ngăn bước viễn chinh quân xâm lược phương Bắc.

Nhớ chuyện năm 1077, phụ quốc Thái úy Lý Thường Kiệt về Chi Lăng gặp phò mã Thân Cảnh Phúc bàn bạc việc binh, xây chiến tuyến Quyết Lý và Giáp Khẩu (Chi Lăng), đánh tan quân xâm lược Tống lần thứ hai càng thấy việc đoàn kết dân tộc, ngược xuôi có tầm quan trọng biết nhường nào.

Năm 1285, quân Nguyên qua Ải Chi Lăng đã bị quân nhà Trần chặn đánh kịch liệt và tướng Nguyên là Nghê Nhuận bị giết chết tại chỗ. Chính Hưng Ðạo Ðại vương Trần Quốc Tuấn đã thể hiện thiên tài quân sự của ông ở đây: bằng hố bẫy ngựa, phục binh của ta từ dưới hố dùng mã tấu phạt đứt chân ngựa, tách bọn Nguyên Mông thiện chiến ra khỏi ngựa mà tiêu diệt.

Khu di tích lịch sử Chi Lăng nằm trong vùng Ải Chi Lăng, bao gồm 52 điểm kéo dài gần 20km, phần lớn thuộc hai xã Chi Lăng và Quang Lang, và chủ yếu liên quan đến trận đánh ngày 10 tháng 10 năm 1427 giết chết Liễu Thăng, chủ tướng quân xâm lược nhà Minh mà ngày nay dấu tích còn lại là một tượng đá có hình dáng như một người quỳ gối và bị cụt đầu gọi là Liễu Thăng Thạch . Khu di tích lịch sử Chi Lăng được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia từ năm 1962. Nghĩ tới đây, chợt nhớ cũng vào thời khởi nghĩa Lam Sơn 藍山 (1418-1427), tại Ải Lê Hoa 犁艮花 cũng diễn ra trận chiến thắng vang dội mà sau ngày đại thắng, Nguyễn Trãi đã chép trong Bình Ngô Đại cáo 平吳大誥: “...lại năm nay tháng mười, Mộc Thạch tự Vân Nam kéo đến. Ta đã điều binh giữ hiểm để ngăn lối Bắc quân; ta lại sai tướng chẹn ngang để tuyệt đường lương đạo...Đánh một trận sạch không kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông Binh Vân Nam nghẽn ở Lê Hoa, sợ mà mất mật; quân Mộc Thạch tan chưng Cần Trạm, chạy để thoát thân...” . Chiến thắng Lê Hoa có tầm cỡ như vậy nhưng thường ít được biết đến so với Chi Lăng, Xương Giang và cho đến nay vùng cửa ải này cũng chưa được xác định đích xác ở vị trí nào (có ý kiến đó là Chu Hoa Thôn?), và cũng có một công trình nào ghi nhận dấu tích của chiến thắng này. Đây có phần thiệt thòi cho hậu duệ của những dân binh vùng cửa ải Tây Bắc quê tôi ( Lào Cai).

Bia chiến thắng và Bảo tàng Chi Lăng được xây dựng tại khu di tích này vào năm 1982, nhân kỷ niệm 555 năm chiến thắng Chi Lăng 1427. Tượng đài kỷ niệm chiến thắng Chi Lăng cũng được xây dựng vào những năm sau đó. Nhưng do thời gian, chúng tôi không ghé thăm được.

Gần tới Lạng Sơn, phía trái trồng khá nhiều na. Người dây mắc dây làm cầu trượt để tải na từ lưng chừng đồi xuống. Độ rày cuối mùa nên còn ít, nhưng vẫn rẻ nhiều so với Lào Cai (8.000/30.000đ). Phố xá xây dựng hoàn thiện hơn nhiều so vơíi dịp tôi lên lần trước (2006).

17 giờ chiều tới nhà khách của Công an tỉnh Lạng Sơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân