Do thường xuyên phải đối phó với các cuộc chinh phạt, bành trướng của các thế lực phản động phương Bắc và trong nước thường có nội chiến nên thời gian xây dựng, kiến thiết của hơn 20 triều đại phong kiến nước ta trong 4000 năm là không nhiều. Do đó các di tích, báu vật bị thất tán nên sự bảo quản, truyền lại đến nay không có được bao nhiêu so với tiềm năng và thực tế vốn có của nó. Số còn lại được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Hà Nội thời điểm những năm 60 của thế kỉ trước không nhiều. Đó thực sự là báu vật quốc gia, thuộc loại tài sản văn hoá vô giá. Nhưng ngày nay ít ai biết rằng số báu vật ít ỏi đó đã từng bị mất trộm đến 2 lần và qua việc điều tra 2 vụ án này lực lượng CSND nói chung và KTHS nói riêng gặt hái được nhiều bài học quý.
1. Báu vật quốc gia còn lại thời Nguyễn :
Vương triều Nguyễn bắt đầu từ thời Gia Long Nguyễn Ánh (嘉 隆,1802-1820) đến Hoàng đế cuối cùng Bảo Đại Nguyễn Vĩnh Thụy (保大,1926-1945). Ngôi vị Hoàng đế đều kế thừa mô hình quân chủ chuyên chế cha truyền con nối của các nước Đông phương, mà các triều đại phong kiến Việt Nam trước thời Nguyễn đã thực hiện. Lễ đăng quang nhận kiếm báu, ấn vàng truyền quốc 傳國玉璽 của các vua Nguyễn diễn ra hết sức trọng thể và mang mầu sắc chính trị rõ rệt. Thời hoàng kim, nhà Nguyễn cho đúc nhiều vàng thoi, bạc nén để dự trữ và chi dùng. Đồng thời nhà Nguyễn cũng cho đúc Ngọc tỉ 玉璽 và Kim ấn tượng trưng cho Vương quyền Trong đó Ấn được làm bằng ngọc gọi là Ngọc Tỷ 玉璽 , ấn được đúc bằng vàng, bằng bạc gọi là Kim Bảo Tỷ 金寶璽. Có thể nói Bảo Tỷ là báu vật của quốc gia và tượng trưng cho đế quyền.
Do chiến tranh, do sự suy vong của chế độ và nhiều lý do khác mà các "Quốc gia chi bảo" bị thất lạc rất nhiều. Sự tán thất đó diễn ra 3 lần lớn:
- Lần đầu do Triều đình phải trả 2.880.000 lạng bạc cho liên quân Pháp, Tây Ban Nha để "chuộc" 3 tỉnh miền Đông Nam bộ (!).
- Lần thứ hai diễn ra khi Kinh đô thất thủ vào tháng 7/1885. Dịp đó De Courcy đã cướp ở Hoàng cung đưa về Pháp cả kho tàng trị giá 24 triệu Frăng. Đồng thời số vàng, cùng kim ấn 御前之寶"Ngự tiền Chi bảo" đã theo Tôn Thất Thuyết cùng Vua Hàm Nghi bôn tẩu cũng mai một dần rồi thất lạc hết ở trong vùng rừng núi Quảng Trị, Quảng Bình...và trên đất Trung Quốc.
- Lần thứ 3, vào cuối cuộc Đại chiến 2, Đô đốc, Tư lệnh vùng Thái Bình Dương của quân Nhật là Yamashita đã vơ vét vàng bạc châu báu xếp lên tầu đưa về chính quốc. Những con tầu này đã bị máy bay Đồng minh oanh tạc, chìm vĩnh viễn dưới đáy Thái Bình Dương mênh mông và sâu thẳm
[1].
Sau khi khởi nghĩa thành công tại Huế vào ngày 23/8/1945 đến chiều 30, tại Ngọ Môn, trước hàng vạn quần chúng, Bảo Đại - ông Vua cuối cùng của Triều Nguyễn đã đọc Chiếu thoái vị, nộp Ấn vàng, Kiếm dài nạm ngọc cho phái đoàn Chính phủ. Ấn và kiếm này khi toàn quốc kháng chiến, 19/12/1946 ta đã đem chuyển đến nơi an toàn một cách khẩn trương tại một ngôi chùa ở mạn ngoại thành!. Cuối những năm 50, quân Pháp đã triệt hạ cái làng ngoại thành ấy phá chùa lấy gạch xây bốt. Thế là phát lộ ra bộ ấn kiếm báu và hòng cứu vãn cục diện lẫn tình thế sa lầy ở chiến trường Đông Dương, ngày 3/3/1952, quân Pháp đã tổ chức rùm beng một cái lễ trao ấn kiếm Nhưng sau đó Bảo Đại đưa bộ ấn kiếm ấy cho bà thứ phi Mộng Điệp mang sang bên Pháp trao cho hoàng hậu Nam Phương và hoàng tử Bảo Long. Bộ ấn kiếm yên hàn được đến thời điểm năm 1963 bà Nam Phương mất. Tiếp sự thăng trầm của vị Hoàng đế đa tình, bộ ấn kiếm lại về tay người đẹp Monique Baudot, người vợ mà ông Bảo Đại cưới năm 1982! rồi chưa rõ nhà nước ta đã tìm lại được chưa[2].
Một ít hiện vật quan quân nhà Nguyễn dâng nộp Chính phủ còn lại được trưng bày, bảo quản tại Viện Bảo tàng lịch sử Quốc gia. Người thu gom, chuyển số báu vật này từ một biệt thư ở Hàng Chuối, nơi có một cơ sở của Bộ Tài chính đóng về nhà Viễn Đông bác cổ tức Bảo tàng Lịch sử bây giờ chính là Đỗ Phạm Huyến.
Khi đất nước chưa thống nhất, một số cổ vật của Vương triều còn nằm tại Huế trong Đại Nội và rải rác trong các phủ đệ của Vương tôn, Công tử trong đó. Như thế, cùng với sự suy vong của Vương triều, những "Quốc gia chi bảo" của thời xa xưa, một mặt bị mất, mặt khác lại bị quân xâm lược cướp đưa ra nước ngoài và trưng bày trong các bảo tàng nước Pháp và châu Âu. Số còn lại được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Hà Nội thời điểm những năm 60 của thế kỉ trước không nhiều. Đó thực sự là báu vật quốc gia, thuộc loại tài sản văn hoá vô giá. Nhưng ngày nay ít ai biết rằng số báu vật ít ỏi đó đã từng bị mất trộm đến 2 lần và qua việc điều tra 2 vụ án này lực lượng CSND nói chung và KTHS nói riêng gặt hái được nhiều bài học quý.
2. Mất Báu vật quốc gia tại Bảo tàng:
Chuyện rằng: ngày 4/7/1961, khi kiểm tra các hiện vật trưng bày tại Phòng nhà Nguyễn thuộc Viện Bảo tàng lịch sử các nhân viên quản lý Bảo tàng phát hiện mất một ấn vàng có đôi rồng chạm nổi ở tay cầm và hàng chữ 皇太后之寶 "Hoàng hậu Chi Bửu", là ấn của Nam Phương Hoàng hậu, nặng 4,9kg và một âu đựng trầu thuốc bằng vàng nặng 0,5kg.
Vụ mất báu vật quốc gia nói trên làm xôn xao dư luận. Một số người ở Viện Bảo tàng lịch sử, trong đó có ông Vũ Lai (còn có tên là Nguyễn Tiến Lợi), 59 tuổi, Trưởng phòng Bảo quản, sưu tầm và phục chế, đều cho rằng đây là vụ trộm do nội bộ người trong Viện gây ra. Vì vậy lãnh đạo Viện đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp, kêu gọi ai đã trót lấy thì phải trả lại ngay, vì đây là báu vật có một không hai của đất nước. Cuộc họp kết thúc, nhưng không có ai nhận là đã lấy. Họ chỉ biết là mất, nhưng mất vào lúc nào thì không ai biết.
Khám nghiệm hiện trường, cán bộ KTHS Công an Hà Nội chỉ thu được hai mẩu đồng nhỏ trong ổ khóa của tủ trưng bày hiện vật, không tìm ra giấu vết cạy, bẩy để đột nhập của thủ phạm.
Ngày 13/7/1961, đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn đã chỉ thị cho các cơ quan chức năng của Bộ Công an và Giám đốc Sở Công an Hà Nội phải phối hợp chặt chẽ, sử dụng mọi biện pháp, mọi phương tiện để điều tra, nhanh chóng làm rõ vụ án, thu hồi tang vật, di sản lịch sử văn hóa vô cùng quý báu của đất nước.
Nghiên cứu lại nội, ngoại thất của Viện Bảo tàng, Công an Hà Nội thấy tất cả các cửa ra vào đều chắc chắn, kiên cố, không tìm ra dấu vết của kẻ gian. Công tác điều tra được tiến hành ráo riết trên diện rộng. Các đối tượng có tiền án, tiền sự, các đối tượng cờ bạc, buôn lậu vàng bạc trên toàn TP Hà Nội và các tỉnh lân cận đều được lên danh sách để rà soát, sàng lọc. Tất cả cán bộ nhân viên đã từng làm việc ở bảo tàng, nay nghỉ việc hoặc chuyển ngành và các cán bộ đang làm việc cũng được xem xét, nhưng vẫn không phát hiện được đối tượng nghi vấn.
3. Nhân viên lưu dung của Bảo tàng bị gọi hỏi và nhận tội:
Nhưng rồi có lần bị gọi hỏi, ông Vũ Lai - Trưởng phòng Bảo quản sưu tầm và phục chế của Viện đã khai nhận là tự mình gây ra vụ trộm ấn vàng và âu vàng của Triều đình nhà Nguyễn. Ngày 05/9/1961, CA Hà Nội bắt Vũ Lai và ông khai: “Vì tôi đã có tuổi, biết rằng chẳng làm việc được bao nhiêu lâu nữa sẽ phải nghỉ, chỉ biết nghề họa thì rồi mắt sẽ kém không vẽ được nữa nên rất lo lắng khi trở về tuổi già không làm được gì để sinh sống. Nhân dịp Bảo tàng có bày một số đồ vàng trên Phòng nhà Nguyễn nên có ý định sẽ lấy một vài thứ để dành cho sau này. Ý định này có từ đầu năm, nhưng còn đắn đo chưa dám làm, mãi đến trung tuần tháng 4 tôi mới lấy (tôi không nhớ rõ ngày). Ngày hôm đó lớt phớt mưa phùn nên tôi mặc áo đi mưa bộ đội, tới cơ quan làm việc. Đến khoảng 16 giờ, tôi xuống bảo anh Kiếm đưa cho tôi chìa khóa rồi lên gác, đến Phòng nhà Nguyễn và không gặp ai, có lẽ anh em làm việc ở phòng khác... Tôi mở 2 tủ, lấy ở 1 tủ một cái ấn vàng, ở tủ khác lấy một hộp đựng trầu thuốc bằng vàng, lấy áo mưa bọc lại, cắp vào cạnh sườn đem xuống chỗ làm việc của tôi rồi đi trả chìa khóa cho anh Kiếm. Đến 17 giờ, hết giờ làm việc chờ anh em về hết, tôi lấy dây cột áo mưa bọc báu vật sau xe đạp, không về nhà mà đi ăn cháo lòng rồi ra bờ sông lấy que gỗ đào lỗ chôn xuống rồi đánh giấu. Độ nửa tháng, nghĩa là sang tháng 5, sợ ngập nước, ra đào thì đã bị mất, chắc chắn là có kẻ đã trông thấy tôi chôn và lấy đi mất rồi”. Sau đó ông Vũ Lai còn bảo vợ là bà Nguyễn Thị Tỵ đem nộp cho cơ quan một áo bạt mưa kiểu bộ đội mà ông khai là đã dùng để gói vàng mang ra bờ sông...
LLCA còn bắt tiếp nhân viên giữ kho Đỗ Phạm Huyến (người làng Xuân Đỉnh và nhờ sự giới thiệu của Văn Tiến Dũng mà sau khi rời quân ngũ chuyển ngành về Bộ Văn hóa, thạo tiếng Pháp lại biết cả chữ Hán nên ông được chọn vào tổ tiếp quản nhà Viễn Đông bác cổ.. ).Song dù xác minh khá công phu, ông Huyến bị giam tới 23 tháng trong Hỏa Lò, lực lượng Công an vẫn thấy không có cơ sở để tin cậy lời khai của Vũ Lai.
Có ý kiến cho rằng các báu vật của nước ta có thể bị đưa ra nước ngoài. Nhưng điều tra theo hướng này, ta cũng không thu được kết quả gì.Vụ án sau nửa năm điều tra, tốn nhiều công sức vẫn bế tắc.
4. Báu vật lại bị mất tại Viện Bảo tàng:
Đúng lúc vụ án 7/1961 đang bế tắc thì Sở Công an Hà Nội nhận được tin báo: Hồi 3 giờ ngày 5/11/1962, kẻ gian đã lọt vào Viện Bảo tàng lịch sử, lấy đi một số hiện vật quý cũng thuộc di vật của triều đình nhà Nguyễn, gồm một ấn bạc mạ vàng khắc hàng chữ 高德太皇太后之寶"Cao đức Thái hoàng Thái hậu" nặng 74 lạng và hai quyển kim sách bằng bạc mạ vàng là quyển 保隆 "Bảo Long" có 2 bìa, 3 tờ, 4 khuyên và quyển "Khải Định thập niên" có 2 bìa, 7 tờ, 4 khuyên.
Ngay sau khi nhận được tin trên, các chiến sĩ Cảnh sát Hình sự Công an Hà Nội và lực lượng điều tra của Bộ Công an đã cấp tốc triển khai lực lượng để bảo vệ nghiêm ngặt hiện trường.
Kết quả đầu tiên là khi KNHT, cán bộ KTHS đã phát hiện và thu được:
- Trên tấm kính của tủ trưng bày hiện vật, cán bộ kỹ thuật thu được 3 dấu vân tay thuộc bàn tay trái.
- Trong một căn phòng tối của Viện Bảo tàng lịch sử, ngay phía sau mô hình tháp Bình Sơn, cán bộ khám nghiệm thấy có một bãi phân, bốn mảnh giấy dính phân và một số hạt ô mai 4 mảnh giấy dính phân nghi do thủ phạm để lại mà khi ghép chúng lại đọc được nội dung là thư của Đỗ Mộng Dần gửi cho Sửu. Trong thư có hỏi thăm các cháu Trung, Thanh, Phong và nhắc đến một số người có tên là Ất, Giáp, Mão.
5. Cuộc điều tra quyết liệt, lực lượng KTHS lập công:
Xét thấy tầm quan trọng của vụ án, lãnh đạo Bộ đã quyết định lập Ban chuyên án và cử đồng chí Lê Hữu Qua, Cục trưởng Cục CSND làm Trưởng ban, các biện pháp nghiệp vụ được tiến hành kịp thời và đồng bộ; các lực lượng Kĩ thuật hình sự, Cảnh sát sử dụng chó nghiệp vụ, trinh sát hình sự, kinh tế, lực lượng an ninh bảo vệ văn hoá, bảo vệ nội bộ, công an các địa phương đều được huy động; các đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, đối tượng nghi vấn đều được rà soát phân loại.
Ban chuyên án đã quyết định cho mở rộng vụ án đến nhiều địa phương và đơn vị cơ quan, hàng chục công trường xây dựng để truy tìm những người có tên là Đỗ Mộng Dần, có anh hay con là Ất, Mão, Giáp.
Công an các địa phương trên toàn miền Bắc được thông báo truy tìm người có tên là Đỗ Mộng Dần. Trải bao vất vả, tốn công mò kim đáy bể, ngày 5/5/1962 ta đã tìm thấy ở Kim Bảng, Hà Nam có người mang tên như vậy và có các em là Ất, Giáp. Mẫu chữ của Đỗ Mộng Dần được thu và gửi về KG3 giám định. Kết quả giám định cho thấy: “chữ viết trên lá thư bị xé thu được tại Hiện trường vụ án với chữ viết của Đỗ Mộng Dần là do cùng một người viết ra”. Đi sâu tìm hiểu, trinh sát thấy nhà Đỗ Mộng Dần nghèo, cách đây chừng 2 năm, thỉnh thoảng xuất hiện một người khách tên là Nguyễn Văn Thợi khoảng hơn 30 tuổi, người hơi lùn, ăn tiêu cực kỳ hoang phí. Còn lúc ở Hà Nội, anh ta thường ăn uống ở khách sạn Phú Gia ven bờ hồ Hoàn Kiếm. Nghe nói, Thợi buôn lậu vàng bạc tận vùng biên giới nên rất giàu có. Đồng thời, từ đầu mối Đỗ Mộng Dần, một mũi trinh sát tại Hà Nội cũng đã tìm ra được một người có tên là Đỗ Văn Sửu, có các con là Trung, Thanh, Phong, nhà ở khu Bến Nứa, Hà Nội. Thì ra Sửu là anh của Đỗ Mộng Dần.
Qua điều tra, Cơ quan Công an nắm được người có tên là Nguyễn Văn Thợi có mối quan hệ rất chặt chẽ với gia đình Sửu, trước đây thường ăn ở tại nhà Sửu và cũng hoang phí vô cùng, thường đi đánh chén ở Phú Gia, ăn thịt chó ở phố Mã Mây cũng trả bằng vàng... Tìm hiểu kĩ, BCA biết: Thợi 33 tuổi, là lưu manh chuyên nghiệp, từng có 17 TATS và đã bị Công an Hà Nội bắt giam tại Hoả Lò từ 05/4/1962 chuẩn bị đưa đi tập trung cải tạo. Bộ điểm chỉ vân tay 10 ngón của Thợi được gửi tới bộ phận tàng thư căn cước can phạm và các giám định viên. Giám định dấu tay đã đi đến kết luận: “chính Nguyễn Văn Thợi đã để lại 3 dấu vân tay tại Hiện trường” mà khi khám nghiệm, ngày 05/01 ta đã thu được.
6. Lời khai đối tượng chính:
Qua xét hỏi tên Nguyễn Văn Thợi (tức Chưng, tức Khiêm) 33 tuổi, đã có 17 tiền án tiền sự về tội trộm cắp và buôn lậu, bị tập trung cải tạo, trinh sát được biết: chính Nguyễn Văn Thợi đã gây ra 2 vụ trộm báu vật ở Viện Bảo tàng lịch sử. Thợi khai rõ:
Năm 1957, khi bị giam ở trại cải tạo Thái Nguyên, y có quen và chơi thân với một tên là Nguyễn Sơn Trưng (tức Bạt). Sau khi mãn hạn tù, hai người vẫn quan hệ thân thiết với nhau.
Dạo tháng 4/1961, Thợi và Trưng rủ nhau vào “tham quan” Viện Bảo tàng lịch sử, thấy nhiều đồ vàng bạc được trưng bày, liền bàn cách lấy trộm. Lợi dụng sơ hở của cán bộ bảo vệ, Thợi đã lấy được mẫu chìa khóa tủ trưng bày hiện vật rồi thuê thợ làm chìa khóa.
Ngày 1/6/1961, lừa lúc vắng khách tham quan và sơ hở của nhân viên bảo vệ, Thợi đã dùng chìa khóa mở tủ trưng bày, lấy một ấn vàng giấu vào bụng, lấy một âu vàng đưa cho tên Trưng (cũng giấu vào bụng), rồi 2 tên cùng lẳng lặng quay ra. Khi ra đến cửa Viện Bảo tàng, Trưng dừng lại nói chuyện với nhân viên bảo vệ để lợi dụng thời điểm đó cho Thợi ra trước, còn Trưng thì khéo léo ra sau. Số vàng lấy được, hai tên mang sang Yên Viên chặt phá thành từng thỏi nhỏ, đánh thành đồ trang sức, vàng thỏi để chôn dấu rồi đưa đi tiêu thụ ở Bắc Giang, Lạng Sơn, Hải Phòng, Hà Nội...
Vụ thứ nhất trót lọt, công của Thợi lớn, nhưng vì số vàng phải chia nhỏ cho cả bọn ăn theo nên Thợi chẳng được bao nhiêu. Vì thế nên trong vụ trộm thứ 2 Thợi quyết định hành động một mình. Giả khách tham quan, hồi 14 giờ 30 phút ngày 4/1/1962, Thợi lẻn vào một phòng tối, nấp sau mô hình tháp Bình Sơn ở gác 2, ăn hết gói ô mai, vì không nhịn được y đã đại tiện tại chỗ và xé lá thư lấy từ nhà Sửu dùng gói ô mai để làm vệ sinh. Đến khoảng 2 giờ ngày 5/1/1962, thấy xung quanh im ắng. Thợi rời nơi ẩn nấp, dùng chìa khóa (đã được y đánh trộm trước đó) để mở tủ trưng bày, lấy được chiếc ấn và 2 quyển kim sách. Nhưng vận may đến với Thợi quá ít, lần này y lấy phải toàn những thứ bằng bạc mạ vàng.
7. Một kết thúc có hậu:
Từ sự khai nhận của Thợi ta đã bắt gần như toàn bộ các đối tượng liên quan đến vụ án gồm 19 tên, thu hồi được chiếc ấn bạc "Cao đức Thái hoàng Thái hậu" nặng 74 lạng (tại nhà tên Đỗ Huệ ở Yên Viên) cùng 2,5 kg bạc và 33 lạng vàng (số vàng mà các đối tượng thuê một hiệu vàng ở phố Hàng Giấy kéo thành nhẫn và số vàng thu tại nhà tên Nguyễn Sơn Trưng ở Bắc Giang). Những hiện vật khác đã bị chúng phá ra, số vàng, bạc còn lại phá ra từ các hiện vật đó cũng đã bị chúng tiêu thụ, không thu hồi được.
Ngày 03/01/1964 Nguyễn Tiến Lợi, Đỗ Phạm Huyến đã được Viện KSND Tối cao trả tự do. Tất cả các đối tượng trộm cắp, chứa chấp và tiêu thụ của gian đều đã bị bắt. Ngày 3 và ngày 4/2/1964, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử, tuyên phạt Nguyễn Văn Thợi tù chung thân. 19 tên đồng bọn bị xử từ 2 năm án treo đến 11 năm tù giam và phải bồi hoàn đủ số vàng đã tiêu thụ về các tội phá hoại di tích lịch sử, trộm cắp tài sản quốc gia và tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có. Riêng tên Nguyễn Sơn Trưng (tức Bạt), trốn về quê ở Bắc Giang tiếp tục trộm cắp nên bị dân quân truy đuổi, bắn trọng thương rồi chết.
Riêng ông Huyến, ra khỏi nhà giam được phục chức trưởng phòng như cũ cũng như giữ nguyên Đảng tịch. Tiền lương ông được truy lĩnh nhưng phải trừ vào số tiền cơm tù 23 tháng trong Hoả Lò! Ông lại tiếp tục gắn bó với những báu vật quốc gia đó. Vào thời điểm giặc Mỹ đánh phá ác liệt Thủ đô Hà Nội ông được trao nhiệm vụ đưa những báu vật ấy từ Bảo tàng Lịch sử sơ tán lên Việt Bắc, khi yên hàn đưa chúng về Hà Nội cũng thế. Việc trông coi bảo vệ đã có anh em bộ đội nhưng ông phải có trách nhiệm ở lỳ tại đó cùng với họ...Năm 1979, ông lại phải tháp tùng lũ báu vật ấy từ Bảo tàng Lịch sử theo một toa tàu đặc biệt để chuyển vào phía Nam! Bình Trị Thiên khu Năm ra Hà Nội. Hà Nội Thái Nguyên. Thái Nguyên Hà Nội. Hà Nội thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố HCM Hà Nội. Những hòm báu vật gập ghềnh bất trắc dằng dặc trên đường thiên lý ấy cấm có suy suyển đi tẹo nào cho đến khi ông Huyến về hưu năm 1992!
8. Bài học không bao giờ cũ:
Vụ án sau một thời gian dài điều tra với bao nỗi gian truân, vất vả, có lúc tưởng hoàn toàn bế tắc, đã được làm sáng tỏ là chiến công xuất sắc của Công an Hà Nội với sự hỗ trợ đắc lực của các đơn vị nghiệp vụ của Bộ và Công an một số địa phương. Vụ án nghiêm trọng, và phức tạp đã được khám phá có một ý nghĩa to lớn và để lại nhiều bài học quí giá trên nhiều lĩnh vực công tác Công an:
+ Việc khám phá thành công vụ án đã đem lại lòng tin của Đảng, Nhà nước, nhân dân với LLCA. Vì vật chứng bị lấy mất không chỉ có giá trị hàng hoá đơn thuần tính bằng trọng lượng vàng, bạc (rất tiếc, đó lại là mục đích của kẻ lưu manh thiếu văn hóa, thiếu lòng tự tôn, thiếu sự lao động nhưng lại thừa tính khôn ranh ma mãnh và lòng tham). Giá trị của vật chứng đặc biệt đó cao hơn nhiều bởi đó là những báu vật quốc gia, tài sản văn hoá vô giá, nhất là trong hoàn cảnh nước nhà chưa thống nhất, cố đô nằm ở bên kia giới tuyến quân sự. Tôi đã có lần vào thám Bảo tàng lịch sử, vào thăm Đại Nội không được thấy chiếc ấn truyền quốc của Nguyễn triều lòng cứ thấy nao nao một buồn. May sao, Cách mạng thành công, đất nước thống nhất chúng ta đã giữ lại được một ít Quốc gia chi bảo để lớp con cháu mai ngày còn có căn cứ vật chất để hiểu về một thời vinh quang xen lắm tủi hờn. Nếu những báu vật đó còn ở đâu đó trong và ngoài nước được đưa về trình bày đúng chỗ để nhân dân chiêm ngưỡng thì hay biết mấy !
+ Trong quá trình điều tra ta đã huy động tổng lực nhiều lực lượng nghiệp vụ của cả Bộ và Công an các địa phương; các biện pháp nghiệp vụ được tiến hành kịp thời, đồng bộ, nhất là sau khi vụ mất trộm thứ hai xẩy ra.
+ Công tác nắm, quản lý, rà soát và phân loại đối tượng đã được chú ý và đã thu hẹp được diện nghi vấn cần theo dõi.
+ Trong thành tích chung đó có sự đóng góp về công sức và trí tuệ của lực lượng Kĩ thuật hình sự. Đó là việc KNHT kĩ, thu được dấu vân tay, các mảnh giấy bị xé ra từ một lá thư; công tác giám định chữ viết, giám định dấu vết đường vân...
+ Nhưng dù sao, nghiêm túc mà nói, trong vụ này cũng có vấn đề cần rút kinh nghiệm. Đó là:
- Công tác bảo quản, bảo vệ các hiện vật, đặc biệt là báu vật ở Bảo tàng chưa được chú ý đúng mức, việc bảo quản còn quá thô sơ;
- Công tác điều tra giai đoạn đầu nóng vội, đã bắt 2 cán bộ của Viện Bảo tàng khi chưa có chứng cứ gì.
- Công tác KNHT ở vụ mất trộm thứ nhất ít hiệu quả. Trong lần KN vụ thứ 2 đã thu được dấu vết có giá trị. Song đáng tiếc, cán bộ kĩ thuật đã phóng ngược Film chụp vân tay thu được ở hiện trường. Do đó khi tra cứu, đối chiếu đã để lọt đối tượng Nguyễn Văn Thợi (tức Chưởng, tức Khiêm, tức Sơn) mặc dù Danh, Chỉ bản của tên này có lưu nhiều trong ta.
[1] Có dư luận và tài liệu nói một phần kho báu cướp của nhà Nguyễn đã được Nhật, vào đầu tháng 9/1945, đưa đến dấu tại khu rừng Suối Kiết thuộc Tánh Linh, ước chừng khoảng 4-5 tấn. [2] Có tài liệu dẫn lời đ/c Huy Cận nói là hình như Pháp tình cờ đào tìm thấy đã trao lại cho Bảo Đại khi Bảo Đại từ bỏ vai trò Tối cao cố vấn Chính phủ ta, theo Pháp nhận lời làm Quốc trưởng vào giữa năm 1949.
[1] Có dư luận và tài liệu nói một phần kho báu cướp của nhà Nguyễn đã được Nhật, vào đầu tháng 9/1945, đưa đến dấu tại khu rừng Suối Kiết thuộc Tánh Linh, ước chừng khoảng 4-5 tấn. [2] Có tài liệu dẫn lời đ/c Huy Cận nói là hình như Pháp tình cờ đào tìm thấy đã trao lại cho Bảo Đại khi Bảo Đại từ bỏ vai trò Tối cao cố vấn Chính phủ ta, theo Pháp nhận lời làm Quốc trưởng vào giữa năm 1949.
Dù có vài sơ xuất, song việc khám phá thành công vụ án này đã chứng tỏ được công sức, trí tuệ của lực lượng Công an, trong đó có Kĩ thuật hình sự. Càng có ý nhĩa hơn đó chính là món quà ra mắt cho ngày Lễ công bố Pháp lệnh về CSND do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh Công bố (20/7/1962). Nó đáng trở thành vụ "kinh điển" để cho lớp Công an sau học tập, rút kinh nghiệm. Đối với cán bộ KTHS, đó là vụ án để lại nhiều vấn đề cần được học tập và rút kinh nghiệm.
= Lương Đức Mến (Biên soạn và bình chú) =
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân