Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2009

Vài điều cần biết về THỜI PHONG KIẾN

86. BỘ MÁY TỔ CHỨC :
Các triều đại Việt Nam đầu tiên chưa hình thành nên các Bộ 部. Năm 1089, Lý Nhân Tông bắt đầu đặt các bộ nhưng chưa đủ. Đời Trần có các bộ đặt dưới quyền điều khiển của tướng quốc. Đầu thời Lê sơ, có hai bộ là Bộ Lại và Bộ Lễ . Đến đời Lê Nghi Dân (1459) triều đình nước Việt được tổ chức dựa theo hệ thống của Trung Hoa mới chính thức đặt đủ Lục bộ. Thời Lê Thánh Tông vẫn giữ nguyên và đặt dưới quyền điều khiển trực tiếp của hoàng đế. Các triều đại sau tiếp tục duy trì.
Quan văn, quan võ được xếp theo 6 bộ 六部: Bộ Lại (吏部,giữ việc quan tước, phong tước, ân ban thuyên chuyển, lựa chọn, xét công, bãi truất và thăng thưởng, bổ sung quan lại, cung cấp người cho các nha môn) ; Bộ Lễ (礼部,giữ việc lễ nghi, tế tự, khánh tiết, yến tiệc, trường học, thi cử, áo mũ, ấn tín, phù hiệu, chương tấu, biểu văn, sứ thần cống nạp, các quan chầu mừng, tư thiên giám, thuốc thang, bói toán, tăng lục, đạo lục, giáo phường, đồng văn nhã nhạc); Bộ Hộ (岵部,giữ việc ruộng đất, nhân dân, kho tàng, thu phát, bổng lộc, đồ cống nạp, thuế khoá, muối và sắt; thời Nguyễn giữ chính sách điền thổ, hộ khẩu, tiền thóc, điều hoà nguồn của cải nhà nước); Bộ Binh (兵部,giữ việc binh nhung, quân cấm vệ, xe ngựa, đồ nghí trượng, khí giới, giữ việc biên giới, lính thú, nhà trạm, phố xá, nơi hiểm yếu, việc khẩn cấp, tuyển dụng chức võ); Bộ Hình (刑部,giữ việc binh nhung, quân cấm vệ, xe ngựa, đồ nghí trượng, khí giới, giữ việc biên giới, lính thú, nhà trạm, phố xá, nơi hiểm yếu, việc khẩn cấp, tuyển dụng chức võ) và Bộ Công (功部,coi việc xây dựng thành hào, cầu cống đường sá, việc thổ mộc, thợ thuyền, tu sửa xây dựng, thi hành lệnh cấm về núi rừng, vườn tược và sông ngòi).
Đứng đầu mỗi bộ là Thượng thư (尚書, tương đương Bộ trưởng nay); giúp việc có tả thị lang 左侍郎, hữu thị lang 右侍郎 (thời Lý - Trần - Lê) hoặc tham tri (thời Nguyễn) (tương đương cấp thứ trưởng ngày nay); lang trung, viên ngoại lang, tư vụ... (tương đương vụ trưởng, giám đốc các nha hoặc chánh / phó văn phòng ngày nay).
87. Hệ thống TƯỚC VỊ:
1. Tước Vương: thường thì tước này chỉ phong cho người thuộc hoàng tộc và chỉ những anh em trực hệ với nhà vua. Tuy nhiên, vào thời nhà Trần thì tước này được phong rất rộng rãi trong hoàng tộc hay đến thời Hậu Lê thì được phong cho các Chúa. Cũng theo hệ thống thời Hậu Lê thì tước Vương 2 chữ trang trọng hơn tước vương 3 chữ, ví dụ: chúa Trịnh Tráng lúc kế ngôi là Thanh đô vương, sau một thời gian ở ngôi và lập được nhiều công trạng thì phong lên là Thanh vương.
2. Tước Công:
2.1 Quốc công: tước quận công cũng theo lệ 2 chữ quý hơn 3 chữ. Tước này ít khi phong ra ngoài mà chỉ trong hoàng tộc hay những người có binh quyền lớn hoặc thế tử ở phủ chúa. Ví dụ như chúa Trịnh Sâm lúc chết cũng chỉ là tước công 2 chữ, sau rồi mới thuỵ phong lên tước vương.
2.2 Quận công: đây là tước phong cho những người có binh quyền và công lao lớn. Ví dụ như chúa Nguyễn Hoàng đến khi vào trấn thủ Quảng bình cũng chỉ la Đoan quận công, sau nay nay được phong lên Đoan quốc công (trước khi chia nước tự lập).
3. Tước hầu: phong cho những người có công lao hay danh vọng lớn. Ví dụ: Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều.
4. Tước bá
5. Tước tử
6. Tước nam
Nhìn chung tước thường đi kèm với quan chức, tuy nhiên về mặt quan trường thì ngay cả Nam tước cũng cao hơn nhiều so với quan nhất phẩm (Thượng thư).
88. Hệ thống CHỨC VỊ :
Sau khi dời đô về Thăng Long và đặt tên nước là Đại Việt, Lý Thái Tổ đã tổ chức triều đình theo một cách mà Lê Quý Đôn gọi là “mẫu mực cho đời sau”. Đứng đầu triều đình là nhà vua, dưới vua có nhóm cận thần gồm có Tam thái (Thái sư, Thái phó, Thái bảo) và Tam thiếu (Thiếu sư, Thiếu phó, Thiếu bảo) chuyên lo về việc văn; các chức Thái úy (sau gọi là Tể tướng) và Thiếu úy (chỉ huy cấm binh) chuyên lo về việc võ. Dưới các nhóm cận thần đó là hai ban văn võ với đầy đủ các chức vụ cụ thể.
Các đời sau, quan chế chủ yếu dựa vào nhà Lý nhưng có sửa đổi chút ít. Nhà Trần đặt thêm chức Tam tư (Tư đồ, Tư mã, Tư thông). Đến đời Lê Nghi Dân (1459) các ban văn võ được tổ chức theo Trung Hoa thành Lục bộ: Bộ Lại (khen thưởng), Bộ Lễ (thi cử), Bộ Hộ (kinh tế), Bộ Binh (quân sự), Bộ Hình (pháp luật), Bộ Công (xây dựng). Đứng đầu mỗi bộ là quan Thượng thư. Ngoài ra còn một số cơ quan chuyên trách như Hàn lâm viện lo biên soạn văn thư; Quốc tử giám lo dạy dỗ đào tạo con em giới cầm quyền; Khâm thiên giám coi thiên văn, lịch pháp; Thái y viện lo việc thuốc men; Cơ mật viện tư vấn cho vua về các việc hệ trọng.
Dưới thời vua Gia Long còn sơ khai, chủ yếu vẫn tuân thủ giống như chế độ quan lại nhà Hậu Lê. Dưới thời vua Minh Mạng, sau cải cách về hành chính và luât pháp, nhà vua đã quy định lại chế độ quan lại của triều đình, áp dụng chế độ quan lại của nhà Thanh bên Trung Hoa vào Việt Nam. Vua chia quan lại toàn bộ triều đình làm chín phẩm hàm, trong mỗi phẩm hàm lại chia thành hai cấp bậc: Chánh (chính) và Tòng (phó). Như vậy hệ thống quan chế nhà Nguyễn gồm tất cả 18 cấp bậc từ cao tới thấp. Trong mỗi cấp bậc đều có hai ban văn, võ. Quan lại đứng đầu triều đình thuộc hàm Nhất phẩm, là các Đại học sĩ và Đô thống phủ đô thống. Đứng đầu các Bộ (Lại, Lễ, Hộ, Binh, Hình, Công, và Học, sau này) là quan Thượng thư (hàm Nhị phẩm). Đứng đầu các vùng hành chính cũng là một chức quan hàm nhị phẩm là Tổng đốc (phụ trách hai hay ba tỉnh thành).
Các địa phương thì từ 1802, cả nước chia ra làm 23 trấn và 4 doanh. Từ Thanh Hóa ngoại trở ra, gọi là Bắc Thành, có 11 trấn, chia ra làm 5 nội trấn: Sơn Nam Thuợng, Sơn Nam Hạ, Sơn Tây, Kinh Bắc, và Hải Dương; 6 ngoại trấn: Tuyên Quang, Hưng Hóa, Cao Bằng, Lạng Son, Thái Nguyên, Quảng Yên. Bắc thành và Gia Định thành có chức Tổng trấn và Phó Tổng trấn
Tổng trấn coi mọi việc, ở các Trấn thì quan trấn hay lưu trấn Còn 6 ngoại trấn Bắc Tháng thì giao quyền cho các thổ hào địa phương.
Đến năm Tân Mão (1831) Minh Mệnh thứ 12, theo lối nhà Thanh, đặt trấn làm tỉnh và đặt chức tổng đốc, tuần phủ, bố chính , án sát và linh binh.
Tổng đốc 總督là một chức quan của chế độ phong kiến trao cho viên quan đứng đầu một vùng hành chính gồm nhiều tỉnh thành. Tổng đốc coi mọi mặt về dân sự lẫn quân sự trong địa hạt mình quản lý. Tiền thân của chức Tổng đốc là các chức Tổng trấn và Hiệp trấn vào thời vua Gia Long, còn trước đó từ triều nhà Hậu Lê là các chức quan Trấn thủ hay Lưu trấn. Ví dụ Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên (tam tuyên) coi các tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang, tức vùng Tây Bắc nay; Tổng đốc Hải An hay Hải Yên coi Hải Dương, Quảng Yên, tức vùng Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng nay.
Tuần phủ 巡撫 là một chức quan địa phương ở Trung Quốc và Việt Nam thời phong kiến. Lúc đầu, tuần phủ chỉ là một chức quan tạm thời của người được triều đình phái về lãnh đạo một tỉnh hoặc một bộ phận tỉnh lớn. Về sau, chức này trở thành một chức vụ chính thức. Tuần phủ có quyền bổ nhiệm, bãi miễn các chức quan dưới quyền mình trong địa hạt do mình quản lý, có quyền lãnh đạo về hành chính, tài chính, ngoại giao, quân sự của tỉnh. Tuy nhiên, ở những nơi có chức tổng đốc, thì tuần phủ vẫn phải theo chỉ đạo của tổng đốc. Ở nhiều nơi, tổng đốc có thể kiêm luôn chức tuần phủ. Tuần phủ mang hàm nhị phẩm (chánh hoặc tòng).
Tri phủ 知府 là một chức quan địa phương, đứng đầu một phủ hoặc châu, có quyền cao nhất cả về dân sự lẫn quân sự trong địa hạt, tri phủ có hàm tòng tứ phẩm.
Tri huyện 知縣 :Viên quan đứng đầu một huyện.
Chánh tổng 正總 (còn gọi Cai Tổng 該總), chức danh người đứng đầu một tổng (gồm một số xã). Đơn vị tổng đã có từ thời Lê, được thiết lập dưới thời Tây Sơn và bị bãi bỏ dưới thời Gia Long. Thời Minh Mạng lập lại cấp tổng và đặt chức CT. CT là thuộc viên của chính quyền cấp huyện; giữ vai trò trung gian giữa cấp huyện và cấp xã, truyền lệnh của chính quyền cấp trên xuống làng xã thuộc phạm vi tổng và giám sát việc thực hiện những lệnh đó. Thời Pháp thuộc, ở Nam Kỳ, chánh tổng và phó tổng được xếp trong ngạch nhân viên hành chính, được hưởng lương và xếp hạng bậc. Trước 1887, chánh tổng và phó tổng do chính quyền thực dân Pháp lựa chọn, chỉ định. Sau 1887, CT được tuyển lựa thông qua thi tuyển. Từ 1918, CT được tuyển lựa thông qua bầu cử (cử tri thuộc các thành phần có chức quyền, có tài sản, có bằng cấp). Thống đốc là người quyết định cuối cùng trong việc tuyển lựa này. Ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, CT được lựa chọn qua bầu cử và là người thay mặt cho tổng về mặt hành chính và pháp lí (như lí trưởng ở cấp xã) để giao thiệp với cấp trên.
89. Chế độ KHOA CỬ:
Các kỳ thi Nho học ở Việt Nam bắt đầu có từ năm 1075 dưới triều Lý Nhân Tông và chấm dứt vào năm 1919 đời vua Khải Định. Trong 845 năm đó, đã có nhiều loại khoa thi khác nhau, ở mỗi triều đại lại có những đặc điểm khác nhau, song trong các đời Lý, Trần, Hồ có một đặc điểm chung là các khoa thi đều do triều đình đứng ra tổ chức, chỉ đạo thi. Hệ thống thi cử tuyển người làm quan này gọi là khoa cử 科举.
Khoa bảng 科牓 là cái bảng danh dự, liệt kê tên họ các thí sinh đỗ đạt học vị trong các kỳ thi cử này, phần lớn được tuyển chọn làm quan chức cho triều đại phong kiến Việt Nam. Khoa bảng là tính từ để chỉ những người đỗ đạt này. Thí dụ: “Gia đình khoa bảng” là gia đình có học, có người trong họ đỗ đạt cao trong những kỳ thi cử do triều đình tổ chức và chấm khảo. Các kỳ thi theo thứ tự là Thi Hương, Thi Hội, Thi Đình, học theo mô hình Trung Hoa.
Kết quả các kỳ thi, ai vượt qua kỳ trứơc mới thi tiếp kỳ sau. Đạt mức nào sẽ có các danh hiệu tương ứng như sau:

KỲ THI HƯƠNG HỘI ĐÌNH
DANH HIỆU Giải nguyên Hội nguyên Đình nguyên
Hương cống
Sinh đồ Thái học sinh
Phó bảng ĐỆ NHẤT GIÁP
(TAM KHÔI) Trạng nguyên 狀元
Bảng nhãn 榜眼
Thám hoa 探花
ĐỆ NHỊ GIÁP Hoàng giáp
ĐỆ TAM GIÁP Đồng tiến sĩ xuất thân
同進士出身

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân