Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2022

Nhân KỶ NIỆM 65 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG LLKTHS (23/8/1957-23/8/2022)

Để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng và nặng nề, xứng đáng là công cụ chuyên trách của Nhà nước để bảo vệ chế độ và giữ gìn ANTT, trong CAND có một lực lượng sử dụng kiến thức và phương tiện khoa học kỹ thuật để góp sức mình vào sự nghiệp chung. Đó là Kỹ thuật hình sự hay Kỹ thuật điều tra hình sự. Đây là một trong 5 bộ phận cấu thành Khoa học hình sự hay Khoa học điều tra.

Lịch sử KHHS thế giới khởi thuỷ từ những “nhận xét” ban đầu về sự vật, hiện tượng, vật chất.

Nền Khoa học hình sự hiện đại có từ trên 100 năm nay, khởi đầu từ “nhân trắc học” gắn với công lao của Alphonse Bertillon (1853-1914) vào năm 1879.

Từ khi con người phát minh ra máy ảnh (đầu tiên vào năm 1660 và hoàn thiện năm 1888, máy ghi âm kính hiển vi rồi kính hiển vi điện tử, kĩ thuật sắc kí vào năm 1903, máy Vi tính ... thì các phương tiện hiện đại này mau chóng được đưa vào sử dụng trong KTĐT tội phạm và thu được nhiều hiệu quả đặc biệt.

Ngày nay tất cả những thành tựu mới nhất của KHXH&NV, KHTN&CN đều được KHHS nghiên cứu, ứng dụng để phục vụ cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Lý thuyết về KHHS được giảng dạy ở các ngành: Công an, Kiểm sát, Tòa án và ngành Luật. Nhưng thực hành về KHHS tập trung chủ yếu trong ngành Công an. Bất cứ một cơ quan KHHS nào cũng bao gồm các bộ phận: Khám nghiệm hiện trường, Giám định Kỹ thuật hình sự và Pháp y, Phòng Thí nghiệm, bộ phận chụp ảnh, ghi hình.

Tại Việt Nam phải tới những năm 1955-1960 thì vai trò của KTHS mới được chính thức ghi nhận. Nhưng biện pháp này đã được chúng ta triển khai ngay từ khi Cách mạng mới thành công và trưởng thành cùng với quá trình vận động của công cuộc kháng chiến kiến quốc, thống nhất đất nước, bảo vệ tổ quốc và xây dựng CNXH.  

 Ngày đó, tuy còn non kém về tay nghề nghiệp vụ nhưng lực lượng KTHS đã lập công lớn ngay buổi đầu. Đó là: sớm làm chủ, khai thác tàng thư của địch để lại tra cứu, phát hiện hàng trăm tên mật thám, tình báo, phản động; cung cấp nhiều tài liệu quan trọng phục vụ cho việc chuẩn bị nhân sự các ứng viên Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới. Đặc biệt Qua KNHT và giám định đã góp phần khám phá nhiều vụ án quan trọng, như: vụ giết người, ném xác xuống hồ Trúc Bạch (1946); vụ án cướp của, giết người rất dã man xẩy ra ngày 03/8/1946 tại tiệm vàng Vĩnh Tường của nhà tư sản Nguyễn Thế Toàn ở 33 phố Lacom (nay là phố Hoàng Văn Thụ) Hải Phòng, đánh dấu bước khởi đầu tốt đẹp của KTHS Công an Việt Nam.

Để đẩy mạnh công tác KHHS đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn Cách mạng mới, ngày 21, 22, 23/8/1957 Bộ Công an tổ chức Hội nghị Kĩ thuật hình sự lần thứ Nhất tại Hà Nội và ra Nghị quyết XH-50 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Những khái niệm cơ bản nhất, những nhiệm vụ trọng tâm về KHHS, về KTHS đã được chính thức đề cập. Hiện nay một số luận điểm tại Nghị quyết không còn phù hợp nhưng khi đó Nghị quyết thực sự trở thành cẩm nang để các địa phương, đơn vị xác định phương hướng xây dựng ngành, tiến hành biện pháp công tác KTHS, là tiền đề cho sự phát triển của KHHS trong các giai đoạn sau. Chính vì ý nghĩa quan trọng đó của Hội nghị này mà tháng 6/1998, Bộ trưởng BCA Lê Minh Hương đã nhất trí, sau đó ngày 02/4/2002, Bộ trưởng Lê Hồng Anh đã ký Quyết định chính thức lấy ngày 23 tháng 8 hằng năm làm Ngày Truyền thống của lực lượng KHHS Việt Nam.

Tại Lào Cai (cũ) Cách mạng thành công trong cả nước từ tháng 8/1945 nhưng đến 19/10/1946 Lào Cai mới được giải phóng khỏi ách Việt Nam Quốc dân đảng. Sau đó, đến cuối năm đó CA Lào Cai chính thức được thành lập trong bối cảnh tình hình ANTT rất phức tạp. 

Trong buổi sơ khai ấy Lực lượng CA non trẻ đã cố gắng vượt bậc,  góp phần giữ  vững ANTT trong những ngày rối ren phức tạp ấy. Khi đó CA Lào Cai đã thực hiện biện pháp KNHT sớm tìm ra thủ phạm sát hại lẫn nhau giữa 2 con bạc xẩy ra vào một đêm tháng 2/1947 ở Phố Tèo, Tx Lào Cai, kịp thời chặn đứng được ý đồ kẻ địch lợi dụng vu khống để kiếm cớ lật đổ chính quyền dân chủ non trẻ.   

Hoà bình lập lại,  cùng với cả nước CA Lào Cai nhanh chóng chuyển hướng để phục vụ công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế,  giải quyết tàn dư của chế độ cũ,  tiễu phỉ, chống xưng vua, đấu tranh với bọn gián điệp, biệt kích Mĩ nguỵ, rồi chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mĩ, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân. Trong công tác tiễu phỉ, bắt, diệt biệt kích, gián điệp; ngăn chặn các vụ phá hoại; dập tắt các vụ xưng đón “vua”,  các vụ bạo loạn CA Lào Cai đã lập được nhiều thành tích. Để thuận tiện cho công tác điều tra khám phá các vụ án hình sự, sau Hội nghị Khoa học hình sự lần thứ Nhất (21-23/8/1957) công tác KTHS chính thức được triển khai ở Lào Cai và Thông tư liên bộ số 423  ngày 12/5/1961 về giám định pháp y, ngay từ năm 1958, ở Lào Cai đã hình thành Hội đồng giám định Pháp y với 3 thành viên.

Từ 1962, bộ phận KTHS tách về Phòng Kĩ thuật nghiệp vụ theo Thông tư số 88/TCCB. Và ngay sau đó, lực lượng này đã thu thập và giám định tự dạng những tờ rơi có nội dung phản động xuất hiện  ngày 10/01/1963 tại địa bàn thôn Cóc, Bảo Thắng. Ngày 30/7/1975 Phòng Trinh sát Kĩ thuật (PK67) Công an Lào Cai tham mưu cho tỉnh mở Hội nghị liên ngành gồm đại diện lãnh đạo Ty Công an, Ty Y tế, Bệnh viện tỉnh, Viện KSND tỉnh  bàn và thống nhất quy định trách nhiệm thực hiện khám nghiệm, giám định.

Sau khi đất nước thu về một mối, tỉnh Lào Cai cùng với Yên Bái và phần lớn tỉnh Nghĩa Lộ hợp nhất thành tỉnh Hoàng Liên Sơn và Ty CA Hoàng Liên Sơn được thành lập với có 20 phòng, ban và các CBCS KTHS thuộc  Đội 5 thuộc Phòng TSKT với cán bộ KTHS từ 3 tỉnh và Công an khu Tây Bắc chuyển về.

Việc phối hợp với các ngành, đặc biệt là y tế mở đàu bằng việc ngày 20/01/1976 Ty Công an Hoàng Liên Sơn đã xây dựng và được các ngành nhất trí thông qua bản Quy định về tổ chức, lề lối làm việc, chế độ phương tiện cho công tác pháp y ở tỉnh. Tiếp theo, tỉnh Hoàng Liên Sơn có Quyết định về việc thành lập HĐGĐPY gồm 9 GĐV cấp tỉnh, 16 GĐV cấp huyện. Sau 02/1979, rồi các năm 1980, 1981, Công an tỉnh thường xuyên tham mưu để UBND tỉnh có các Quyết định bổ sung thay thế GĐV. Đến 21/10/1981 Bác sĩ  Lương Đức Mến từ C21 Bộ Nội vụ về nhận công tác tại Phòng CS Điều tra xét hỏi-Khoa học hình sự (PC 16+21). Từ đó có PYCA trong CAHLS. Năm 1982, Bs Mến được UBND tỉnh bổ nhiệm là Uỷ viên Thường trực kiêm Thư kí Hội đồng giám định Pháp y tỉnh.

Khi triển khai học tập và thực hiện Chỉ thị số 92/CT ngày 25/8/1980 của Ban Bí thư về "xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh và đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ trong tình hình mới", Chỉ thị 92-CT/TW ngày 25/6/1980 của Bộ Chính trị về Nhiệm vụ bảo vệ An ninh, Trật tự trong tình hình mới và Nghị định 250/CP  ngày 12/6/1981 của Hội đồng Chính phủ về Nhiệm vụ, quyền hạn, Tổ chức bộ máy của lực lượng CAND,  CA Hoàng Liên Sơn  từ 25 phòng còn 18 phòng với 2 BCH. Khi đó, KTHS từ Phòng TSKT thuộc lực lượng an ninh tách ra nằm trong Phòng Cảnh sát điều tra xét hỏi-Kỹ thuật hình sự theo Quyết định ký ngày 10/7/1981 của Thứ trưởng Trần Đông. Đến Tháng 5/1985 Phòng PC 21 được thành lập.

Trong thời kì đó PC 16+21, sau này là PC 21 Hoàng Liên Sơn đã có nhiều cố gắng trong việc tham mưu cho lãnh đạo CA tỉnh xây dựng các biểu mẫu phục vụ khám nghiệm, giám định và củng cố hoạt động của HĐGĐPY tỉnh. Một số chuyên án lớn thành công có đóng góp của KTHS.  

Khi Bộ luật TTHS được ban hành (28/6/1988) và Chính phủ có Nghị định số 117/HĐBT về Giám định tư pháp, PC 21 đã đề xuất để Giám đốc Công an tỉnh tham mưu  UBND tỉnh ra Quyết định thành lập các Tổ chức giám định  pháp y ở 3 khu vực (Trung tâm, Phía Bắc, Phía Tây) với 39 GĐV và TCGĐ Kĩ thuật hình sự-pháp y thuộc Công an tỉnh với 9 GĐV. Đồng thời làm thủ tục đề nghị và ngày 01/4/1989 Viện trưởng Viện KHHS  đã ký Quyết định công nhận 7 Giám định viên, trong đó có 2 là Giám định viên cao cấp (đ/c Lương Đức Mến và đ/c Phạm Xuân Trường) trong tổng số 113 GĐVCC ở CA các tỉnh trên toàn quốc. Ngày 25/4/1990 Đại úy Bác sĩ Lương Đức Mến được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng phòng PC21 Công an tỉnh Hoàng Liên Sơn (Quyết định số 04 CAQĐ do Đại tá Hoàng Tuyển ký) thay đ/c Thiếu tá Hoàng Sáng nghỉ hưu từ 5/1990; Đ/c Nguyễn Đình Hưởng được đề bạt Phó trưởng phòng.

Khi Lào Cai được tái lập (01/10/1991), theo Quyết định số 150/QĐ-BNV ngày 16/9/1991 bộ máy của CA tỉnh Lào Cai có 20 phòng ban. PC21 Lào Cai tách từ PC21 Hoàng Liên Sơn ra thuộc BCHCS gồm: Trưởng phòng  và 6 CBCS , gồm: Nguyễn Văn Quý (PY), Đinh Công Nghĩa (KTHS), Nguyễn Đức Quang, Lê Văn Giang, Nguyễn Viết Tú, Nguyễn Văn Thành (HL và SD CNV). Nhưng thực lên Lào Cai chỉ có 4 người còn các đ/c HLSDCNV vẫn ở lại Yên Bái và sau đó cắt hẳn quân số sang CA Yên Bái..

Tại nơi tập kết ở khu Cung ứng mỏ, cả đơn vị được bố trí 2 gian nhà cấp 4. Tuy ít quân và đa số chưa qua KTHS nhưng đơn vị đã  triển khai ngay các công tác KNHT và giám định từ sáng khi vừa đặt chân đến. Để đáp ứng kịp thời các yêu cầu giám định trong các vụ việc có tính hình sự, CA tỉnh, Sở Tư pháp đã tham mưu và được UBND tỉnh nhất trí: các Giám định viên đã được UBND tỉnh Hoàng Liên Sơn  cũ bổ nhiệm sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ GĐV trên địa bàn mình công tác. Sau đó UBND tỉnh Lào Cai đã ra Quyết định thành lập 02 TCGĐ là: TCGĐ Kĩ thuật hình sự-Pháp y với các GĐV công tác tại Công an tỉnh và TCGĐ pháp y với các GĐV công tác tại Trung tâm y tế các Huyện, Thị xã. Chính việc tham mưu kịp thời đó của Phòng KTHS (Công an tỉnh), Phòng Quản lí Công chứng, Luật sư, Giám định (Sở Tư pháp) đã giúp UBND tỉnh sớm có Quyết định đáp ứng kịp thời, đầy đủ, không gián đoạn các yêu cầu giám định tại địa phương. Cùng với toàn ngành, LLKTHS nhanh chóng ổn định,  khắc phục mọi khó khăn ở nơi mới; vừa ổn định, vừa củng cố xây dựng, vừa xin bổ sung quân số[1], củng cố tổ chức[2] vừa triển khai các biện pháp nghiệp vụ theo chức năng được phân cấp đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng ngừa tội phạm trên một tỉnh mới tái lập. Đồng thời đơn vị đã tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh triển khai Chỉ thị số 08/CT-BNVngày 15/5/1990 của Thứ trưởng Phạm Tâm Long về củng cố và tăng cường công tác KTHS Công an cấp huyện; Chỉ thị số 02/TTg ngày 04/01/1993 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác Khoa học hình sự; Chỉ thị số 23/CT-BNV ngày 15/12/1993 của Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ về tăng cường công tác Kĩ thuật hình sự; phối hợp với Sở Tư pháp mở nhiều lớp tập huấn về KNHT, GĐPY cho ĐTV, KSV, GĐV toàn tỉnh về các điều luật trong Bộ luật TTHS liên quan đến công tác KNHT, giám định tư pháp và các văn bản khác liên quan.

Chính vì vậy ngay trong những tháng ngày trên địa bàn mới, PC 21 Lào Cai đã góp phần cùng toàn lực lượng tham gia xử lý nhiều vụ việc phức tạp. Có thể kể đến: vụ nổ làm chết tại chỗ 1 Sĩ quan D7 là Đỗ Vũ Hùng và chết trên đường đi cấp cứu 1 sĩ quan khác cùng đơn vị tên là Nguyễn Tú Lân xẩy ra ngày 09/10/1991 tại quán nước chị Hải ở Cốc San, Bát Xát; vụ chị Điền Thị Thú bị chồng giết, đẩy xác xuống thác nước Hợp Thành, Tx Cam Đường để giả tạo hiện trường ngày 12/01/1992; đề xuất giám định dấu vết súng đạn cung cấp chứng cứ quyết định buộc tên Lã Thanh Bình từng gây nhiều vụ cướp của giết người trong những năm 1989, 1990 phải chịu hình phạt cao nhất[3]; vụ sập nhà vòm (kho lương thực cũ, sót lại sau CT 2/1979) ở Tổ 4 phường Cốc Lếu, thị xã Lào Cai 28/12/1992 làm chết 4 người thuộc đơn vị C25 E174 F316; vụ án giết ông Thào A Hồ xẩy ra ngày 03/01/1993 tại vườn su hào thuộc Đội 2 Nông trường Sa Pa…Ngoài ra đơn vị còn cử cán bộ tham gia bảo vệ các sự kiện lớn của tỉnh, như : bảo vệ an toàn chuyến thăm và làm việc tại Lào Cai của đ/c TBT Đỗ Mười vào ngày 22/4/1993; bảo vệ an toàn Lễ cắt băng thông Cầu Kiều, mở lại cửa khẩu Quốc tế Lào Cai  sau 16 năm băng giá vào ngày 18/5/1993 hay mở Hội thảo Khoa học thực tiễn chuyên đề: Giám định Pháp y với Điều tra hình sự có 41 đại biểu của các ngành: CA,  KS,  TA,  YT,  TP,  một số GĐY pháp y và đoàn PC 21 công an tỉnh Yên Bái tham dự.

Khi đơn vị rời điểm tập kết chuyển lên trụ sở chính thức ở đường Hoàng Liên, phường Kim Tân thị xã Lào Cai, bên cạnh các lĩnh vực đã từng thực hiện từ trước, năm đầu thực hiện Chỉ thị số 23/CT-BNV ngày 15/12/1993, đã triển khai giám định ma túy, ban đầu chủ yếu với biện pháp so mầu, sau kết hợp với SKLM. Trước kia việc GĐ chất ma tuý chưa tập trung về một mối, bên Y tế cũng tiến hành. Nhưng sau 1995 hầu hết do đơn vị đảm nhận, nhất là từ khi thực hiện chương trình hành động phòng chống ma tuý giai đoạn 1998-2000 (ban hành kèm theo Quyết định số 139/1998/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ), đặc biệt là từ khi có Luật phòng, chống ma tuý  (việc GĐ chất MT và sản phẩm của nó trong cơ thể được quy định tại Khoản d, Điều 38) thì đơn vị đã được đầu tư tương đối tốt để triển khai việc GĐ các chất MT thông thường và dấu vết cuả nó trong cơ thể người đã sử dụng. Điều này đã đáp ứng được tính kịp thời, khoa học trong công tác. Việc giám định Giấy tờ xe, tiền nghi giả được triển khai rộng rãi đã góp phần đáp ứng kịp thời các yêu cầu tại địa phương.

Chính những cố gắng thành tích trên nên đơn vị và nhiều cá nhân đã nhận được Bằng khen của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tổng cục CS, Tổng cục XDLL, UBND tỉnh, Công an tỉnh, Sở tư pháp và Đảng uỷ CA tỉnh. Đơn vị liên tục đạt danh hiệu “Đơn vị Tiên tiến”, nhiều năm đạt “Đơn vị Quyết thắng”; nhiều lượt CBCS đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, toàn lực lượng và CSTĐ cơ sở. Nhiều lượt CBCS được Thủ trưởng CQ CSĐT khen thưởng, được giao trọng trách mới.

65 năm KTHS, 5 năm trong ngôi nhà KTHS Hoàng Liên Sơn, 30 năm trong đội hình CAND tỉnh Lào Cai, lực lượng KTHS chuyên trách và bán chuyên trách của CA Lào Cai, các đơn vị có chức năng tổ chức KNHT, trưng cầu giám định, đánh giá KLGĐ của CQĐT CA tỉnh và CA cấp huyện đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đóng góp chung vào thành tích bảo đảm an ninh trật tự của CA tỉnh, góp phần kiềm chế được sự gia tăng của các loại tội phạm, giữ vững được ANCT và TTATXH phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Có được thành tích, kết quả đó ngoài sự nỗ lực của CBCS KTHS chuyên trách, bán chuyên trách là sự lãnh đạo chỉ đạo của BCHĐU, BGĐ CA tỉnh, của các Phòng và CA các huyện thành phố. Đồng thời phải kể đến sự phối hợp có hiệu quả của Sở Tư pháp, Sở Y tế, Sơ KHCN, Sở Tài chính và những trao đổi bổ ích của các đ/c trong cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và các Luật sư trên địa bàn tỉnh.

người gắn bó với công tác này từ 1981 và trên cương vị lãnh dạo đơn vị từ 1985, Trưởng phòng từ 1990 tôi có nhiều kỷ niệm. Đến tháng 4/2012 tôi chính thức nhạn sổ nhưng vẫn còn băn khoăn mấy việc đang dang dở. Đó là:

1. Áp dụng hiệu ứng “Trộn thư” Mail Merge để tạo mail hàng loạt trong Word 1997 để nhập dữ liệu và xuất ra các Biên bản giao nhận, Kết luận giám định, Báo cáo thường kỳ trong Giám định Ma túy, Giám định Pháp y thương tích, Báo cáo Tháng...

2. Thực hiện viẹc vẽ Sơ đồ Hiện trường trên MVT cho đẹp, được CQTHTT và đoàn kiểm tra của Tổng cục II đánh giá cao. Riêng việc vẽ Sơ đồ Hiện trường 3D đã thử nghiệm !

3. Dùng hàm CORREL trong Exel để  tìm sự tương quan giữa hai mẫu khi giám định truy nguyên chữ viết, kỹ thuật tài liệu hay nguồn gốc ma túy.

4. Do giáp với Trung Quốc nên nhiều yêu cầu giám định, khám nghiệm phải tiếp cận với chữ Hán mà CBCS khi gặp phải thường chép là “có x chữ Trung Quốc”...nên đã tự tìm và tải nhu liệu Hanosoft Tool về để gõ và chèn chữ Hán vào các Báo cáo, Kết luận giám định.

Rất tiếc, đó là những chuyên môn sâu, không thể thu lợi ngay trước mắt nên khó được quan tâm, tiếp nhận.

Theo quy định, 02/3/2013 tôi được nghỉ chờ hưu và đến 01/4/2014 nhận sổ đến nay đã được 8 năm. Nhớ lại bài thơ viết và đọc hôm đó. Xin được trích đọc:

Bao lần nắng Hạ, gió Đông,

17 huyện thị bước cùng anh em.

Đến khi tách tỉnh về biên,

Vẫn yên nghiệp cũ nhiều phen ngập ngừng. 

 

Bãi sông, đường lớn, mái rừng,

Phố đông, bản vắng đều từng đã qua.

Kia vụ trộm, nọ cháy nhà,

Đây vụ án mạng hay là không may?

Phải đâu tất cả phơi bày,

Có đi nhập cuộc mới hay khôn cùng.

Này Quai, này Xoáy, này Cung,

Đâu đường tách nhánh, đâu vùng hợp biên.

Chữ này nét móc, nét xiên,

Chữ kia quai thắt, nét liền run run.

Ấn chỉ này chẳng cùng khuôn,

Chắc rằng giấy giả thêm buồn người mang.

Sắc đồ hợp vạch rõ ràng,

Là ma túy đó cùng “nàng tiên nâu”.

Đây người ai oán cơ cầu,

Mức di chứng ấy xếp đâu cho vừa?

Buồn vui trong việc kiểm tra,

Giám sát rành rọt thực là nghiêm minh.

 

Ra đi khi tóc còn xanh,

Nay đầu bạc mái, nghiệp ngành chia tay.

Ngoảnh nhìn thoáng chút men say,

Tình này gửi lại những ngày xa xưa.

Ba Hai năm sống trong nghề,

Lời khen đã lắm; tiếng chê cũng nhiều.

Mặc ai nắng sớm mưa chiều,

Riêng ta ta vẫn ghét - yêu rõ ràng.

Mặc ai lựa việc cao sang,

Riêng ta, “Kỹ thuật” thủy chung trọn đời.

Nay việc ấy sắp xa rồi,

Phòng kia, dấu ấy gửi người lớp sau.

Ra về xin nhắn một câu:

Tình yêu Kỹ thuật trước sau ngọn ngành.

 

Ba Chín năm nặng nghĩa tình,

Về hưu vẫn nhớ đinh ninh lời thề.

Nhớ Sáu điều dạy Bác Hồ,

Nhớ tình đồng đội, nhớ nghề đã theo.

Tình riêng chẳng biết nói nhiều,

Gửi người ở lại đôi điều trao nhau.

Nghĩa tình có trước có sau,

Niềm vui san sẻ, nỗi đau chia cùng.

Anh em quyết một chữ “đồng”,

Sao cho mẫu mực cùng chung chuyên cần.

Cuối cùng, tôi chỉ muốn nhắn gửi các bạn rằng: nghề KTHS, PY rất khó HTNV chứ chưa nói HTXS nếu chúng ta không có tâm huyết, không chịu khó học hỏi, tự học, tự cập nhật, nâng cao kiến thức.

Nghề của ta tuy khó nhưng cũng rất dễ làm giàu, nếu chúng ta thiếu sự tỉnh táo, thiếu lương tâm trách nhiệm mà chỉ biết cố làm giàu bằng mọi giá! Nghề này không “tiết lộ thiên cơ” như thầy bói, chẳng “Cưỡng lại mệnh trời” như thầy cúng mà chỉ bổ trợ để ra và chứng minh sự thật như nó vốn có bằng chứng cứ vật chất. Bởi vậy nó bền vững và thường được hưởng hồng phúc lúc cam go.

Kinh nghiệm đời tôi, tôi biết “giúp người đâu để mong người trả ơn” nhưng cuộc đời sẽ ban ân huệ cho chúng ta. Các bạn hãy tin tôi đi!


            [1] Ngày 08/11/1991 Giám đốc Công an tỉnh ra Quyết định số 07/CAQĐ bổ nhiệm đ/c Nguyễn Văn Quý làm Phó trưởng phòng.

[2] Do ít đảng viên nên khi thành lập PC 21 Lào Cai, các ĐV sinh hoạt ghép với Chi bộ PC 16 (BCU chi bộ ghép được thành lập bởi Quyết nghị số 01/QN, ngày 31/10/1991). Cuối năm 1992, do bổ sung thêm đ/c Phạm Văn Cường từ CA Bát Xát ra nên đã đủ điều kiện thành lập Chi bộ (đ/c Hoàng Công Tế, Phó Giám đốc sinh hoạt cùng). Ngày 27/02/1993, Đảng ủy có Quyết định số 12 tách lập chi bộ PC21 từ Chi bộ ghép PC16+21. Đ/c Lương Đức Mến giữ chức Bí thư.

             [3] Bản án thi hành ngày 21/4/1993 là trường hợp tử hình đầu tiên ở tỉnh Lào Cai mới và cũng là trường hợp duy nhất việc tử hình được tiến hành tại một bãi trống thuộc địa bàn xã Đồng Tuyển, cạnh cầu km 4 (từ 1994 là đường dẫn lên Bệnh xá Bộ CHQS tỉnh và từ 2009 là đường lên Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Lào Cai).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân