Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Năm, 30 tháng 9, 2021

KỶ NIỆM 30 NĂM NGÀY 01/10

Ngày 01/10/2021 là ngày kỷ niệm 30 năm ngày tái lập tỉnh Lào Cai (1991-2021) cũng là kỷ niệm 30 năm ngày tái lập Công an tỉnh Lào Cai và 30 năm ngày Quốc tế người Cao tuổi, tự dưng nhớ lại khối điều, vui buồn lẫn lộn.

Xin CHÚC MỪNG CÁC ĐỒNG NGHIỆP từ CA Hoàng Liên Sơn (ở Yên Bái) chuyển lên “khai hoang” Lào Cai dịp đó! Riêng các đc cũng từ Yên Bái nhưng “xin” lên sau thì động cơ ra sao, các đc tự biết!

Một cách thật tình cờ, ngày này lại trùng “Ngày Quốc tế Người cao tuổi” (A: International Day of Older Persons, P: Journée internationale pour les personnes âgées, H: 國際老年人日), đã được ghi trong Nghị quyết A/RES/45/106 thông qua ngày 14/12 /1990 của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Sáng nay, gặp một số đồng nghiệp lên ngày đó (chủ yếu là quân HC), vui nên hơi quá chén! Tỉnh giấc, định viết một stt dài về sự kiện này nhưng xem lại thấy vốn chỉ là một đơn vị nghiệp vụ, không có chức năng tổng hợp chúng nên tư liệu thiếu, nhiều tấm ảnh tuy có lưu nhưng đã mốc, hỏng nhiều! Chả nhẽ “không có gì” để kỷ niệm, đành “có sao dùng vậy”!

Xin nói trước, vì nhiều nguyên do nên một số chi tiết, địa danh, tên người có thể chưa chính xác hoặc đã được “cố tình” viết khác đi, mong ai đó bắt gặp đừng “ném đá” quá tay! Đồng thời chỉ gói gọn trong giai đoạn 11/1991-6/1993 còn từ sau đó, sang một bước ngoặt khác, thuộc chuyên đề khác, không có trong bài viết này!

Khi Lào Cai được tách ra từ tỉnh Hoàng Liên Sơn (1976-1991) bởi Nghị quyết số 70 ngày 12/8/1991 của Quốc hội[1], theo Quyết định số 150/QĐ-Bộ Nội vụ (tên gọi giai đoạn 8/1975-4/1998 còn từ 8/1953-7/1975 và từ sau 5/1998 đến nay là Bộ Công an) ngày 16/9/1991 bộ máy của CA tỉnh Lào Cai có 20 phòng ban và CA 9 huyện, thị xã là: thị xã Lào Cai[2] cùng CA 8 huyện: Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát, Mường Khương, Sa Pa, Than Uyên, Văn Bàn[3].

Đến ngày 30/8/1991, Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn ra Nghị quyết số 12/NQ-TU về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết chia tách tỉnh của Quốc hội. Sau đó, ngày 13/9/1991 Ban Thường vụ tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn ra Nghị quyết về việc sắp xếp, đè bạt cán bộ lãnh đạo của 38 cơ quan, ban ngành của 2 tỉnh và ngày 20/9/1991 Bộ Chính trị ra Quyết định chỉ định BCH tỉnh ủy lâm thời 2 tỉnh Lào Cai, Yên Bái thì tỉnh ủy Lào Cai mới ra đời và các ngành thuộc tỉnh Lào Cai (mới) dần lần lượt ra đời dần đi vào hoạt động[4].

Ban đầu bộ máy của Công an tỉnh Lào Cai vẫn đóng quân trong trụ sở Công an tỉnh Yên Bái (Hoàng Liên Sơn cũ) tại “cây 3” thị xã Yên Bái, thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận con người và vật tư phương tiện bàn giao từ phòng “gốc” ra là chính. Bộ phận tiền trạm lên trước, đến tháng 11/1991 các đơn vị nghiệp vụ mới lần lượt rời Yên Bái ngược lên Lào Cai, chủ yếu bằng xe ô tô cơ quan di theo đường 7, một số ít đi tầu hỏa xuống ga Phố Lu.

Hồi đó, do tx Lào Cai[5] còn là “đống tro tàn” chỉ có gạch vỡ và lau sậy nên cũng như các cơ quan khác của tỉnh[6], Công an tỉnh Lào Cai tập kết tại 4 nơi: LLCS tập kết ở khu Cung ứng và Trường Công nhân kỹ thuật mỏ Apatite (Cam Đường), LL AN đóng quân ở Phố Lu, khối trực thuộc và XDLL đóng quân tại thị trấn Tằng Loỏng và LL Biên phòng (hồi đó thuộc Công an tỉnh) đóng quân ở Xuân Quang (km4), huyện Bảo Thắng.

Chú ý rằng: Các BCHAN và BCHCS  được giải thể sau khi có Quyết định số 682/QĐ-BNV ngày 12/6/1992 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về tổ chức bộ máy Công an tỉnh Lào Cai theo đó các phòng TMAN, TMCS cũng giải thể, đưa công tác tham mưu về PV 11 và các đơn vị nghiệp vụ, công tác Hồ sơ về PC13,….[7] Còn LLBP thành lập 03/3/1959 với tên gọi Công an nhân dân vũ trang. Từ 19/12/1979 đổi thành BĐBP và chuyển sang do Bộ Quốc phòng quản lý, Từ 11/6/1988 đến 01/12/1995 chuyển về Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) sau đó trở lại do Bộ Quốc phòng quản lý. Giai đoạn tách tỉnh tuy BP thuộc CA nhưng CA tỉnh không chi phối công tác chiến đấu, đảm bảo và cán bộ của BP tỉnh.

Lãnh đạo Công an tỉnh Lào Cai[8] khi đó gồm:

- Giám đốc: Giàng Seo Dín (nguyên PGĐ, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy AN Công an HLS), nghỉ hưu năm 1996 (trước Đại hội đạ biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, họp từ 2 đến ngày 4/5/1996), sau đó mất tại Bắc Hà do bệnh trọng)[9].

- Các Phó Giám đốc có:

 + Bùi Anh Xuân (nguyên PGĐ, Chỉ huy trưởng BCHCS Công an HLS, nghỉ hưu 1996 (cùng dịp với Giám đốc Giàng Seo Dín), hiện cư trú tại xã Thống Nhất, tf Lào Cai) phụ trách XDLL và HC,

+ Hoàng Minh Ngọc (nguyên Phó BCHAN Công an HLS, từ 1996 là Giám đốc[10], nghỉ hưu 2011 với cấp hàm Thiếu tướng, cấp tướng đầu tiên của Lào Cai, hiện cư ngụ tại phường Bắc Cường, tf Lào Cai) phụ trách An ninh

+ và Hoàng Công Tế (nguyên Trưởng Công an thị xã Lào Cai, nghỉ hưu năm 2007, cư ngụ tại phường Cốc Lếu, tf Lào Cai) phụ trách Cảnh sát.

(phụ trách LLBP không kê vào đây vì thực tế ít liên quan).

LLCSND được sắp xếp tại khu Cung ứng Mỏ Aptite ở Cam Đường. Khu này có 01 dãy nhà kho, 3 dãy nhà làm việc đều xây cấp 4 cũ. Giao ban theo khối, CS thực hiện ngay tại Hội trường 3 gian ở giữ phòng tôi và phòng làm việc của anh Tế.

Hồi ấy, các phòng thuộc LLCS chỉ có xe máy, chưa đơn vị nào có ô tô, trừ xe của PCCC và mỗi tháng được cấp 10-15 lít xăng nhưng xuống tận Tằng Loỏng lấy, khi quay về coi như gần hết !

Ngày đó, trong đội hình CSND tỉnh Lào Cai, chia tay thị xã Yên Bái lên Lào Cai tháng 10/1991 có: PC23 (Ngô Văn Vấn làm Trưởng phòng), PC16 (Trưởng phòng là Vũ Quang Vinh) ở dãy nhà kho; PC12 (Trần Đạt Hồ là Trưởng phòng), PC21 ở dãy phía ngang (LĐM là Trưởng phòng) cùng Hội trường khối và đc PGĐ Hoàng Công Tế, PC14-15 (Trưởng phòng là Lê Oánh), PC13 (Phụ trách phòng là Bùi Khuể), PC26 (Đỗ Thành Đồng làm Trưởng phòng), PC22 (Trưởng phòng là Phạm Bỉnh Dị) ở dãy phía trước và dãy ngang còn 2 dãy sau giành cho bếp ăn và mấy hộ tập thể. Trại Tam giam do anh Phạm Toan làm Giám thị vẫn đóng quân ở Yên Bái. Trong đó có 3 người là LĐM, LO, ĐTĐ đã và đang là Trưởng phòng tương ứng của Công an tỉnh Hoàng Liên Sơn[11]!

Cả khối Cảnh sát chung một máy điện thoại Từ thạch quay số đặt cửa Hội trường trong dãy ngang sát phòng vừa là nơi làm việc vừa là nơi ăn nghỉ của bố con LĐM.

Ngày đó, để lo chỗ ở cho gia đình CBCS, Công an tỉnh lập hẳn một ban do Nguyễn Xuân Ngoại (PTP PH12) phụ trách lo việc này với quy định có thứ tự ưu tiên rõ ràng[12]. Nhưng thực tế cũng khối chuyện râm ran, cần rút kinh nghiệm nhưng không rõ đầu đuôi nên tôi không bàn ở đây.

Cái lạ là các đường phố còn gọi tên bằng các con số, ví dụ Đường 7, nhánh 3, 4…” mà danh xưng này còn tồn tại đến tận ngày nay. Chả thế mà nhà thơ Nguyễn Đức Mậu lên thăm Lào Cai đã thốt lên cảm xúc:

“Lào Cai thị xã mình đây,

Con đường đỏ bụi hàng cây vừa trồng,

Cầu Cốc Lếu bắc chưa xong,

Tìm em anh phải qua sông bằng phà,

Đến nhà chưa có số nhà,

Con đường chưa có tên mà gọi tên”

Cùng với việc khắc phục khó khăn về nơi ăn, chốn ở, chỗ làm việc của các đơn vị và CBCS, công tác đảm bảo ANCT, TTATXH và XDLL CAND được triển khai, đi vào nền nếp. Trong đó có một số hoạt động đáng chú ý:

- Triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01 tháng 2/1991 của UBTWMTTQVN và Bộ Nội vụ về phát động phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ, đấu tranh chống tội phạm, tai tệ nạn xã hội.

- Đón và triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Thường trực Phạm Tâm Long lên thăm và kiểm tra công tác (12/1991).

- Bảo vệ an toàn Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ X[13] họp ngày 9-11/02/1992 tại Hội trường Công ty Apatit Việt Nam (thị xã Cam Đường).

- Điều tra làm rõ và góp phần khắc phục sự cố sập nhà vòm (kho Công ty lương thực cũ, sót lại sau CT 2/1979) ở Tổ 4 phường Cốc Lếu, thị xã Lào Cai 28/12/1992 làm chết 4 người thuộc đơn vị C25 E174 F316 cũng như các vụ việc có tính hình sự khác xẩy ra trên địa bàn.

- Bảo vệ an toàn chuyến thăm và làm việc tại Lào Cai của đ/c TBT Đỗ Mười vào ngày 22/4/1993, khi đó máy bay trực thăng đưa đc TBT lên Lào Cai hạ cánh tại bãi bằng (khởi san lấp từ 26/12/1991) chuẩn bị xây trụ sở Công an tỉnh số 290 đường Hoàng Liên mà từ 2010 là trụ sở Công an thị xã (nay là CA thành phố) Lào Cai[14]. Trước đó, 07/ 8/1992, bảo vệ chuyến thăm và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch tỉnh lỵ biên giới của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (Trực thăng đỗ tại Sân Vận động Mỏ ở Cam Đường)[15].

- Tổ chức họp báo và tiến hành Lễ Kỷ niệm 30 năm ngày truyền thống lực lượng CSND (20/7/1962-20/7/1992) đạt kết quả tốt!

- Sau khi có kết quả giám định dấu vết súng đạn của LL Kỹ thuật hình sự,  TAND tỉnh và tối cao đã buộc tên Lã Thanh Bình từng gây nhiều vụ cướp của giết người trong những năm 1989, 1990 phải chịu hình phạt cao nhất. Bản án thi hành ngày 21/4/1993 là trường hợp tử hình đầu tiên ở tỉnh Lào Cai mới và cũng là trường hợp duy nhất việc tử hình được tiến hành tại một bãi trống thuộc địa bàn xã Đồng Tuyển, cạnh cầu km 4[16].

- Bảo vệ an toàn Lễ cắt băng thông Cầu Kiều[17] bắc qua sông Nậm Thi sang Trung Quốc, mở lại cửa khẩu Quốc tế Lào Cai sau 16 năm băng giá vào ngày 18/5/1993[18].

- Đẩy mạnh công tác bảo vệ an ninh biên giới; đấu tranh với phía Trung Quốc vi phạm hiệp định tạm thời giữa hai nước Việt-Trung ký ngày 07/11/1991; đảm bảo cho việc thực hiện Chỉ thị số 98/CT ngày 27/3/1992 của Chủ tịch HĐBT về việc mở Cửa khẩu trên tuyến biến giới Việt-Trung đạt kết quả tốt; đấu tranh với hoạt động tuyên truyền “xưng dón Vua”, tuyên truyền đạo trái phép trong vùng đồng bào dân tộc H’Mông; điều tra khám phá các vụ nổ do bom mìn còn sót sau cuộc chiến 279; điều tra, truy bắt bọn cướp trên tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai;…

Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 20/7/1992 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đến tháng 4/1993 Công an tỉnh Lào Cai đã hoàn thành việc rời 3 điểm tập kết ở Bảo Thắng và Cam Đường chuyển lên trụ sở chính thức ở 290 đường Hoàng Liên, phường Kim Tân, thị xã Lào Cai, với phương châm “nhanh gọn, an toàn và đảm bảo hoạt động bình thường”.

Từ đây, việc sắp xếp nơi ăn, chốn ở, chỗ làm việc đãn ổn định. Công an tỉnh Lào Cai bắt đầu một chặng đường mới!

Thoáng cái đã 30 năm CA tỉnh Lào Cai được tái lập, qua 5 đời giám đốc (Giàng Seo Dín, Hoàng Minh Ngọc, Hoàng Ngọc Thành, Đinh Tiến Quân và đương nhiệm là Lưu Hồng Quảng). Ngay đơn vị tôi từng có hơn 30 năm gắn bó (1981-2014) mà tiếng “đệ nhất bảo thủ” (tôi “đứng cửa chuồng” Trưởng phòng suốt từ 1990 đến 2014 !) cũng đã qua 3 đời Trưởng phòng (Lương Đức Mến, Đỗ Văn Dương và đương nhiệm là Bùi Mạnh Tài).

Nhanh thật! Đúng là: “Câu quang quá khích” (駒光過隙,time as the ball through the window, “Thời giờ thấm thoắt thoi đưa - Nó đi, đi mãi chẳng chờ đợi ai!” !.

Chép lại một số sự kiện và nhân vật để mình nhớ và ai nữa nhớ, nếu thấy cần!



[1] Theo đó, tỉnh gồm 9 huyện, thị xã, diện tích  8.044 km2, dân số 47 vạn người,  27 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 64,8%.

[2] Khi ấy bao gồm cả thị xã Cam Đường, còn đất đai các phường của tx Lào Cai cũ giao xã Đồng Tuyển quản lý.

[3] Dịp “Tách tỉnh” này, ối đc chả phải qua “quy hoạch” gì, nghiễm nhiên thành lãnh đạo phòng, có đc được đề bạt “mồm” ngay trên Hooin trường, có anh còn “lận” được cả niên hạn lên cấp!

Chú ý khi đó tx Lào Cai bao gồm cả tx Cam Đường, huyện Bắc Hà gồm cả Si Ma Cai còn Bảo Yên, Văn Bàn trước 1976 thuộc Yên Bái; Than Uyên trước 1976 thuộc Nghĩa Lộ và từ sau 11/2003 thuộc tỉnh Lai Châu (mới).

[4] Cho nên cả Lào Cai và Yên Bái đều lấy ngày 01/10 là kỷ niệm ngày tái lập tỉnh chứ không phải lãnh đạo tỉnh mới chọn “ngày Quốc khánh Trung Quốc” để kỷ niệm như một số người cố tình “bới bèo ra bọ” nói đâu!

[5] Ngày 09/6/1992 Họi đồng Bộ trưởng có Quyết định số 205-HĐBT về việc phân vạch, điều chỉnh địa giới thị xã Lào Cai, huyện Bảo Thắng và tái lập thị xã Cam Đường. Lào Cai là thị xã tỉnh lị.

[6] Ngày đó, các cơ quan của tỉnh được bố trí tập kết tại 3 nơi: thị trấn Tằng Loỏng là các cơ quan đầu não của tỉnh, thị trấn Phố Lu là các cơ quan khối kinh tế còn khu vực Cam Đường là các cơ quan Nội chính, văn hóa.

[7] Dịp này, PX15 cũng nhập với PX11 gọi chung là phòng Xây dựn lực lượng

[8] Lãnh đạo CA tỉnh Yên Bái gồm: Hoàng Tuyển, Nguyễn Trọng Soạn, Hà Minh NHớ, Nguyễn Văn Việt.

[9] Đại hội lần thứ Nhất CLBCAHT tỉnh Lào Cai họp ngày 22/6/2001 theo Chỉ thị số  11/CT-BCA của Bộ trưởng đã bầu đ/c làm Chủ nhiệm.

[10] Quyết định số 393/X12 ngày 26/6/1996 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Bùi Thiện Ngộ (1929 – 2006)

[11] Lớp lãnh đạo các Phòng CSND ngày ấy, hiện nay cấp trưởng có Vấn và Mến, Dị đương nghỉ hưu tại tf Lào Cao; anh Đồng, ở quê, anh Khuể về Hà Nội; anh Vinh sau về PC21, chuyển PC17 Lào Cai rồi mất do căn bệnh hiểm ngheò; anh Hồ về Trưởng CA huyện Bảo Yên, sau lên Trưởng PC16 rổi tử nạn ngay cửa trụ sở CA tỉnh xây 1993; anh Oánh chuyển về Tổng cục Hải quan và nghỉ hưu ở Hà Nội, đã mất; anh Toan nghỉ hưu tại Lào Cai, đã mất. Số cấp Phó nhiều, khó thống kê hết!

[12] Chính vì thế mà nhiều CBCS cùng đơn vị thành “hàng xóm” của nhau. Điều đó có cái hay nhưng rồi lâu ngày đã bộc lộ những điều dở!

[13] Trước khi sáp nhập thành Đảng bộ Hoàng Liên Sơn (1976), Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã tiến hành 5 kỳ Đại hội. Trong thời kỳ hợp nhất 1976-1991, Đảng bộ Hoàng Liên Sơn tiến hành 4 kỳ Đại hội do vậy Đại hội đại biểu đầu tiên khi tái lập Đảng bộ tỉnh Lào Cai là Đại hội thứ X.

[14] Hai chi tiết đáng nhớ với tôi:

- Khi máy bay hạ cánh xuống mặt bằng sân trụ sở CA tỉnh, trong đoàn đón có đc Phó Giám đốc (từ 1996 là Giám đốc) CA tỉnh bắt tay và tôi có chớp đực cảnh này. Song tìm mãi chưa thấy ảnh để đâu (ngày ấy còn chụp film bằng máy cơ).

-Theo sáng kiến của anh Trần Quốc Thắng, Phóng viên Truyền hình của Đài Phát thanh - Truyền hình Lào Cai muốn chụp chung với Tổng Bí thư một kiểu ảnh. Không chần chừ với đề xuất này, Tổng Bí thư đồng ý luôn. Thế là anh em gần đó đứng vào hàng và chụp cùng Tổng Bí thư phía trước căn nhà cấp 4 của Tỉnh ủy (nay là khu phố Mường Than). Ngay đc Nguyễn Quý Đăng, khi đó chư kịp đứng vào hàng thì người chụp ảnh đã bấm máy. (Để Tổng Bí thư còn tiếp tục hành trình).

[15] Chính chuyến thăm của Tổng Bí thư và Thủ tướng đã tạo cơ hội cho Lào Cai phát triển toàn diện và là tiền đề để có thành phố Lào Cai như ngày nay.

[16] Từ 1994 là đường dẫn lên Bệnh xá Bộ CHQS tỉnh và từ 2009 là đường lên Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Lào Cai và hiện nay là đường Hoàng Liên kéo dài

[17] Đây cũng là dịp khai thông đoạn đường sắt Phố Lu - Lào Cai dài 34 km sau 14 năm gián đoạn.

[18] Đây cũng là lần đầu tiên tôi được đặt chân sang đất TQ, biết thế nào là “xường xám”, các tòa nhà công sở bên đó. Chả là hôm đó, được phép của lãnh đạo tôi cùng Chánh Văn phòng và lái xe của Giám đốc bước qua lằn ranh biên giới trên Cầu Kiều sang đất Hà Khẩu trong đoàn “cắt băng”!

1 nhận xét:

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân