Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2019

Lại bàn về HÀM SÚC hay HÀM XÚC

Tranh ST trên mạng
Một hiện tượng đáng lưu ý là do phương ngữ, do thói quen, do không hiểu, dùng sai nên khá nhiều người nói, viết sai d/gi/r; x/s, n/l, ch/tr,…mà nếu người biết rõ thì nghe hay đọc rất bực, thậm chí có trường hợp hiểu sai! Ví dụ đã có lần cán bộ dưới quyền tôi viết trong Biên bản là “bị vỡ nách” nhưng trong kết luận của Bác sĩ lại viết là “vỡ lách” mà “nách” và “lách” là 2 bộ phận khác nhau và ở xa nhau trong cơ thể người!
Gần đây có  người đặt vấn đề viết “hàm xúc” đúng hay “hàm súc” mới chính xác làm tôi thấy cần chép lại nhận thức của mình để nhớ.
1. Dù có lòng tự tôn dân tộc đến đâu cũng buộc phải thừa nhận một thực tế là có rất nhiều từ, cụm từ trong Việt ngữ hiện tại có nguồn gốc từ Hán Việt, tức là từ gốc chữ Hán nhưng được đọc với âm Việt từ thế kỷ VII trở về trước!
Trong đó có từ “hàm súc/xúc”! Chữ “hàm” thì khỏi nói vì nó không thể sai được, chỉ xét 2 chữ “súc” và “xúc”.
1.1. Xét âm  “SÚC” thấy có ít nhất 20 Hán tự mà các cụ ta xưa đọc là  “súc, gồm: 𡰿 . Trong đó:
- Chữ “畜” chỉ giống vật nuôi như "lục súc" 六畜 gồm: ngựa, trâu, dê, gà, chó, lợn và chữ này có mã Unicode là U+755C , thuộc bộ điền
- Còn chữ “蓄” mang nghĩa tích, chứa, trữ và nó có mã  Unicode là U+84C4 thuộc bộ thảo (+10 nét); chữ này có phiên thiết là 丑六切 (sửu lục thiết) nên phải đọc là “súc”, không thể là “xúc” !
- Có một số TỪ GHÉP THƯỜNG GẶP, là: hàm súc 含蓄, hàm súc 涵蓄, phiên súc 萹蓄, súc chủng 蓄種, súc điện trì 蓄電池, súc hận 蓄恨, súc lự 蓄慮, súc ngãi 蓄艾, súc nhuệ 蓄鋭, súc oán 蓄怨, súc thái 蓄菜, súc tích 蓄積, súc tụ 蓄聚, súc ý 蓄意, súc y tiết thực 蓄衣節食, tích súc 積蓄, trữ súc 儲蓄, trữ súc 貯蓄, uẩn súc 蘊蓄.
1.2. Xét âm “XÚC”: Có ít nhất 27 Hán tự ghi âm này, gồm: . Trong đó:
Có có một số TỪ GHÉP THƯỜNG GẶP, là: ác xúc 偓促, bức xúc 逼促, cục xúc 侷促, cục xúc 局促, cục xúc 跼促, đôn xúc 敦促, thôi xúc 催促, thông xúc 匆促, thương xúc 仓促, thương xúc 倉促, xúc bách 促迫, xúc bức 促逼, xúc chức 促織, xúc sử 促使, xúc tất 促膝, xúc tất đàm tâm 促膝談心, xúc thành 促成, xúc tịch 促席, xúc tiến 促進, xúc tiêu 促銷;
Và: cảm xúc 感觸, tiếp xúc 接觸, tranh xúc 棖觸, xúc cảm 觸感, xúc động 觸動, xúc giác 觸覺, xúc mục 觸目, xúc ngôn 觸言, xúc ngữ 觸語, xúc nộ 觸怒, xúc phạm 觸犯, xúc quan 觸官, xúc thủ 觸手,…
1.3. Như thế “xúc” không phù hợp mà chỉ có “súc” mới ghép sau chữ “hàm” thành “HÀM SÚC” (giản thể là 含蓄, phồn thể viết 涵蓄)  mà Từ điển Nguyễn Quốc Hùng giải nghĩa là “Chất chứa nhiều ý tứ” chứ viêt HÀM XÚC LÀ KHÔNG CÓ NGHĨA.
2. Điều này nhiều bậc thức giả thực học xưa đều đã sử dụng, Từ điển đã ghi rõ. Ví dụ: 
2.1. Trong bài Khoá phạt mộc 課伐木 của Đỗ Phủ (杜甫, 712-770) viết năm 767 có câu: 雷雨蔚含蓄 (Lôi vũ uất hàm súc), nghĩa là “Sấm mưa càng làm cho um tùm” hay “Rậm rì nhờ mưa lũ”.
2.2. Đương đại, Từ  điển thuật ngữ Văn học xác định: Hàm súc là hình thức diễn đạt, qua đó, người nói có thể thông báo được một nội dung lớn nhất bằng một số lượng các yếu tố ngôn ngữ ít nhất. Đây là đặc điểm, đồng thời cũng là yêu cầu rất cao của của ngôn từ văn học. Tính hàm súc của ngôn từ văn học có những biểu hiện cụ thể như sau:
      Thứ  nhất, tính hàm súc của ngôn từ văn học thể hiện ở tính đa nghĩa của nó. Trong văn học, hàm súc là “lời ít, ý nhiều”, cùng một lời có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau và hình như hiểu theo cách nào cũng ít nhiều có lý.
      Thứ  hai, tính hàm súc thể hiện ở sự thống nhất tối đa các chức năng và đặc điểm của ngôn từ nghệ thuật trong một yếu tố (hoặc một vài yếu tố) của lời nói.
      Thứ  ba, tính hàm súc của ngôn ngữ văn học còn thể hiện ở dung lượng lớn những ý nghĩ, tình cảm mà người viết không viết ra, nhưng người đọc có thể tự mình suy ra được.
      Cho nên, trong văn thơ, ở chỗ lặng, chỗ ngừng, chỗ trống nhiều khi lại là chỗ được nói nhiều nhất. Ở đây, tính hàm súc của văn chương là sự súc tích cô đọng, là lời chật, “ý rộng”, “lời đã hết mà ý vô cùng”, để lại nhiều dư vị trong lòng người đọc.
3. Trước mỗi con chữ còn băn khoăn hay có tranh cãi cần tìm về từ nguyên và phải dựa vào những cuốn Từ điển, Tự điển đã được thử thách và xã hội thừa nhận chứ không thể “theo ý tôi được”!

- Lương Đức Mến, sau ngày Nguyên Tiêu Kỷ Hợi 2019-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân