Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Năm, 28 tháng 9, 2017

Hiểu thế nào câu: "GIẶC BÊN NGÔ KHÔNG BẰNG BÀ CÔ BÊN CHỒNG"

Hầu như người Việt nào cũng biết câu “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng” và hầu hết đều hiểu câu này có nghĩa là: giặc bên Tàu kéo sang, cũng không độc ác, đáng sợ bằng các cô chị cô em của chồng.
Hiểu vậy không sai, nhưng theo tôi chưa đầy đủ và không đúng với thực tế ngay trong họ nhà tôi.
Để hiểu thấu đáo câu này cần làm rõ 3 vấn đề:
1. GIẶC BÊN NGÔ:
1.1. Đất Ngô (chỉ vùng miền nam tỉnh Giang Tô và miền bắc tỉnh Chiết Giang bên Trung Quốc). Trong lịch sử Trung Hoa, có 3 tiểu quốc mang danh "Ngô" thường được nhắc đến. Đó là:
- Ngô quốc 吴國 là một Vương quốc chư hầu của nhà Chu (周朝, 1122 tCn–249 tCn) nằm ở khu vực cửa sông Dương Tử 扬子 được thành lập từ TK 12 tCn bởi Ngô Thái Bá 吳泰伯. Sau này, trong thời Đông Chu liệt quốc (東周列國, 770 tCn–256 tCn) dưới sự trị vì của Phù Sai (吳夫差, 495 tCn-473tCn) bị diệt bởi nước Việt (越國, ?-223 tCn) của Việt Vương Câu Tiễn (越王句踐, 496 tCn – 465 tCn).
- Đông Ngô (東吳, 222–280) là một trong 3 quốc gia thời Tam Quốc (三國, 220-280) được hình thành vào cuối thời Đông Hán (東漢, 25-220) bởi Tôn Quyền (孫權, 182 – 252). Trong thời Bắc thuộc lần thứ hai (北屬時代, 43-541) của nước ta, khi bên Bắc quốc nhà Hán (漢朝, 203 tCn–220) đổ, Âu Lạc (甌貉, 257 tCn - 207 tCn) khi đó gọi là Giao Châu (交州, 203-679) do Đông Ngô cai quản (210-263).
- Ngô (, còn gọi là Hoài Nam 淮南 hay Dương Ngô 杨吴 hoặc Nam Ngô (南吴, 902-937) là 1 trong 10 nước 十國 ở miền Nam thời “Ngũ đại thập quốc” (五代十國, 907-960).
1.2. Tuy nhà Ngô (東吳, 222–280) cai trị nước ta chỉ nửa thế kỷ (210-263) và sau nhà Ngô, nước ta còn bị các nhà Tấn (, 265-420), Lưu Tống (, 420-478), Nam Tề (南齐, 479-520), Lương (, 502-507), Tùy (, 580-618), Đường (唐朝, 618 – 907), Tống (宋朝, 960–1279), Nguyên (元朝, 1271–1368), Minh (明朝, 1368–1644) và Thanh (清朝, 1644 – 1912) xâm lăng hoặc cai trị, ít hay nhiều năm. Nhưng Đông Ngô gây "ấn tượng" với Đại Việt bởi:
- Năm 264, nhà Ngô chia đất Giao Châu ra, lấy Nam Hải, Thương Ngô và Uất Lâm làm Quảng Châu (cho Lữ Đại làm Thứ sử), lấy đất Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam làm Giao Châu (Đái Lương làm Thứ sử), đặt trị sở ở Long Biên nên Giao Châu mới thu hẹp nhiều và là lãnh thổ của Đại Việt về sau.
- Các quan cai trị Giao Châu rất tàn ác, đặc biệt Lã Đại, Tôn Tư nên dân ta rất oán hận bọn thống trị nhà Ngô. Chính dưới chế độ này đã xảy ra cuộc khởi nghĩa của Triệu Trinh Nương (趙貞娘, 225-248) vào năm 248.
Sự oán hận sâu sắc đó được lưu truyền thành ấn tượng!
1.3. Trên cơ sở đó, từ “Ngô” nhập vào vốn ngôn ngữ dân gian của Đại Việt trải qua hàng nghìn năm, nó được dùng để chỉ quân giặc phương Bắc nói chung với thái độ khinh bỉ. Ngoài ra, trái bí lấy giống từ bên Tầu gọi là “bí ngô”, trái bắp lấy giống từ bên Tầu gọi là “bắp ngô”, trai gái lăng nhăng gọi là “thằng ngô con đĩ”, rồi:
Tham vàng lấy phải thằng Ngô
Đêm nằm như thể cành khô chọc vào...
Hay:
Mang hàng đi đổi bên Ngô
Đừng có tơ tưởng rằng mơ được vàng.
Bao giờ cua biển không càng,
Lươn đồng có gọng mới mang vàng về.
Dưới con mắt dân gian, VUA NGÔ CHỈ NGANG CHÚA CHỔM:
Vua Ngô ba sáu tàn vàng
Thác xuống âm phủ chẳng mang được gì
Chúa Chổm uống rượu tì tì
Chết xuống âm phủ khác gì vua Ngô?.
Các cụ ta xưa hay nói "ngô ngọng", "ngô nghê", "ngố Tàu",.... có lẽ một phần do đây và cũng bởi, dưới con mắt dân ta thì người Tầu hay nói ngọng!
1.4. Khi kết thúc thắng lợi khởi nghĩa Lam Sơn 藍山蜂起 , ngày 29 tháng 4 năm 1428, Bình Định Vương 平定王 Lê Lợi 黎利 làm lễ lên ngôi ở điện Kính Thiên tại Đông Kinh, đại xá thiên hạ, giao cho Triều liệt Đại phu Nhập nội Hành khiển Lại bộ Thượng thư kiêm Hành Khu mật viện sự Nguyễn Trãi (阮廌, 1380-1442) thảo bản tuyên cáo kết thúc cuộc kháng chiến chống Minh, giành lại độc lập cho Đại Việt. Đó là bài Bình Ngô đại cáo 平吳大告 bá cáo cho thiên hạ biết về việc đánh thắng giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế năm, tức là vua Lê Thái tổ (黎太祖, 1428-1433) dựng lên nhà Hậu Lê (後黎朝, 1428 - 1788).
Tuy viết là “Bình Ngô” nhưng từ thảo dân cho tới quân vương, ai ai cũng hiểu là “bình trị giặc Minh”. Đây không phải là Thái học sinh 太學生 tránh chữ “” (Minh, chỉ nhà Minh (明,1368-1644), chiếm Đại Việt thời đó) theo phép "kị húy" mà cụ Nguyễn đã dùng từ dân gian để tỏ rõ ý khinh miệt, căm phẫn mà toàn dân ai cũng hiểu. Hơn nữa nếu viết 平明大告 (Bình Minh đại cáo) thì dễ hiểu sang ý “bài cáo chào mừng ngày mới”!
Ngay trong bài, cụ Nguyễn đã rố cáo sự tàn bạo của “Giặc bên Ngô”: “焮蒼生於虐焰, 陷赤子於禍坑”(“nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”)
1.5. Tóm lại, trong ngôn ngữ dân gian và văn chương Đại Việt thì “Ngô” tức là “giặc Tầu”, là “chệt”, là “xấu”…
2. KHÔNG BẰNG BÀ CÔ BÊN CHỒNG
2.1. Bà cô bên chồng, tức là chị hay cô em gái người chồng. Nhưng có nơi như quê tôi và vùng đồng bằng khu 3 cũ nói chung đều gọi chị gái, em gái của bố bằng “cô” cũng như miền Trung gọi bằng “o” vậy!.
2.2. Thông thường theo dân gian thì: Chị gái và em gái chồng thân mật với mẹ chồng và được mẹ chồng tin yêu hơn, vì là con đẻ. Em gái, chị gái chồng (đặc biệt mấy bà cô chậm chồng, không chồng hoặc góa chồng thì khô khan và xét nét, tâm tính khó khăn) thường hay đe nẹt, dòm ngó ý ăn, ý ở của chị dâu hay em dâu và lại xúi bẩy thêu dệt thêm với bà mẹ nên mẹ chồng càng khắc nghiệt với con dâu mình. Do vậy các nàng dâu nghĩ sự tàn ác của “giặc bên Ngô” chưa bằng chị, em gái của chồng.
2.3. Xuất xứ câu nói:
Có người kể với tôi rằng: “câu này có thời nước ta còn nội thuộc triều đại nhà Đông Ngô (, 220-265) thời Tam Quốc (三國, 220-280).
Ngày đó, ở quận Cửu Chân (玖甄, Thanh Hoá ngày nay) có bà Triệu Thị Trinh (趙氏貞, 225–248 có sách ghi tên là Bà Triệu 婆趙) người vùng núi Quân Yên (hay Quan Yên), quận Cửu Chân (nay thuộc làng Quan Yên hay còn gọi là Yên Thôn), xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Cha mẹ mất cả, ở với anh là Triệu Quốc Đạt (趙國達, ?-248), một hào trưởng ở Quan Yên vào năm 246 từng tụ binh khởi nghĩa chống lại nhà Đông Ngô.
Năm 19 tuổi, đáp lời người hỏi bà về việc chồng con, Bà nói: 我要乘劲风,踏恶浪,斩杀东海的鲸鱼,驱逐吴军,光复河山,砸烂奴隶枷锁,决不卑躬屈膝地做人家的妻妾!(Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!
Lớn lên, Triệu Thị Trinh là người có sức mạnh, giỏi võ nghệ, lại có chí lớn. Đến độ 20 tuổi gặp phải người chị dâu (vợ ông Đạt) ác nghiệt, bà giết chị dâu rồi vào ở trong núi Nưa (nay thuộc các xã Tân Ninh huyện Triệu Sơn, Mậu Lâm huyện Như Thanh, Trung Thành huyện Nông Cống, Thanh Hoá), chiêu mộ được hơn ngàn tráng sĩ.
Năm Mậu Thìn (248), thấy quan lại nhà Đông Ngô tàn ác, dân khổ sở, Bà Triệu bèn bàn với anh việc khởi binh chống lại. Lúc đầu, anh bà không tán thành nhưng sau chịu nghe theo ý kiến của em (xuất xứ câu “Lệnh Ông không bằng Cồng Bà” cũng từ ý nầy nhưng đa phần mọi người hiểu rằng quyền vợ lấn lướt chồng!!!). Nghĩa quân thấy bà dũng mãnh, can đảm bèn tôn bà làm chủ. Khi bà ra trận cưỡi voi, mặc áo giáp vàng, rất là xinh đẹp nên quân sĩ tôn gọi là Nhuỵ Kiều tướng quân 蕊嬌將军.
Sử cũ còn ghi: Năm Mậu Thìn (248), Ngô chủ là Tôn Quyền (孫權, 182 – 252) sai Lục Dận (陸胤, ?-?) sang làm Thứ sử Giao châu 交州刺史 đã đem theo 8.000 quân, dùng của cải mua chuộc một số lãnh tụ địa phương để làm suy yếu và chia rẽ lực lượng nghĩa quân.
Những trận đánh ác liệt đã diễn ra tại căn cứ Bồ Điền, đến mức quan quân nhà Đông Ngô phải thốt lên: “横戈当虎易,对面婆王难Hoành qua đương hổ dị, Đối diện Bà Vương nan; tức: Múa giáo đánh cọp dễ, Đối mặt Vua Bà thì thực khó). Song do chênh lệch về lực lượng và không có sự hỗ trợ của các phong trào đấu tranh khác nên căn cứ Bồ Điền bị bao vây cô lập, và chỉ đứng vững được trong hơn hai tháng.
Triệu Thị Trinh chống đỡ với quân Đông Ngô được năm sáu tháng thì thua. Bà Triệu đã tuẫn tiết trên núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) vào năm Mậu Thìn (248), lúc mới 23 tuổi. Có giai thoại nói rằng tướng giặc lợi dụng việc phận nữ nhi đã truất bỏ y phục trên người khiến Bà Triệu từ đó xấu hổ mà dẫn đến tự tử.
Nước Việt lại bị nhà Đông Ngô đô hộ cho đến 265, tiếp theo là nhà Tấn (晉朝, 266–420).
Dựa vào câu chuyện lịch sử bà cô giết cả chị dâu ác nghiệt, khởi binh đánh giặc làm quân Ngô bạt vía nên mới xuất hiện câu thành ngữ nói trên”.
2.4. Theo tôi nhớ đã có lần đọc một tài liệu với dị bản khác.
Chuyện xẩy ra vào thời Khởi nghĩa Lam Sơn (起義藍山, 1418-1427). Chuyện rằng thời đó, có một viên tướng của Bình Định Vương Lê Lợi (黎利, 1385-1433) mải đánh trận bị lạc. Giặc Minh (大明, 1368–1644, chiếm nước ta trong kỳ Bắc thuộc thứ Tư, 安南屬明時期, 1407–1427) quây ráp và định bắt sống.
Ông chống trả quyết liệt và trong lúc nguy cấp ông đã cầu mong Tổ Cô nhà mình phù trợ. Đột nhiên, một trận cuồng phong nổi lên, quân giặc mất phương hướng, ông cùng chiến mã thoát hiểm trở về với đại quân.
Từ đó xuất hiện câu này, ý nói có bà cô phù hộ thì giặc Ngô (chỉ quân xâm lược nhà Minh) dù mạnh cũng không làm gì nổi.
Rất tiếc nguyên văn và nguồn tư liệu đó tôi quên mất, liệu có ai biết không?
3. Cũng từ câu chuyện trên mà TRONG DÂN GIAN CÓ CÂU:
Dù gian ác, vẫn thấp cơ,
Thua mưu, thua trí Tổ Cô dân mình!
Và các cụ ta rất nhân nghĩa khi nói:
Giặc Ngô rồi cũng về Ngô,
Làm Dâu mãi với bà Cô bên chồng.
(Lương Đức Mến, soạn lại tháng 9/2017 từ 2 bài bản thân viết trên Facebook)
Phần đầu hay tóm tắt Phần còn lại hay mở rộng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân