Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

Người TRUNG QUỐC KHÔNG NHỚ LỊCH SỬ ?

(Bản đồ lấy trên In)
Lâu nay, nhiều người khi đổ lỗi cho giáo dục Việt Nam cứ bảo dân ta hiểu lịch sử Trung Quốc hơn lịch sử nước nhà!
Điều đó có phần đúng nhưng đó là lịch sử qua phim dã sử mà phần lớn theo sự nhào lặn của người viết tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng là Kim Dung 金庸. Đó không phải lịch sử, dù là sử Việt, sử Tầu hay sử  khu vực. Xin đơn cử vài việc mà tôi “mục kích sở thị” và chiêm nghiệm :

1. Cố tình quên những triều đại đã xâm lược Đại Việt và bị đánh bại:
Khi trao đổi, nếu có nói đến những trang đen trong lịch sử bang giao giữa Hán và Việt, người Trung Quốc thường chỉ nhắc đến những cuộc tấn công của quan quân nhà Nguyên (元朝, 1271–1368), nhà Thanh (清朝, 1644 – 1912) từng bị quân dân Đại Việt (大越, 1054-1400 và 1428-1804) đánh cho tơi tả buộc phải rút quân về nước trong các năm: 1258, 1285, 1288 và 1789. Chủ ý của họ là đó là các triều đại không phải do người Hán cai trị và ta chỉ có thế chống lại những triều đại đó.
Nhưng họ quên rằng lãnh tụ của cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn 起義藍山 là Thái tổ Lê Lợi (黎利, 1385-1433) đã đại thắng, đuổi quân nhà Minh (明朝, 1368–1644) về nước sau 20 năm đô hộ nước ta (安南屬明時期, 1407–1427). Nhà Minh chính là triều đại của người Hán do Đại Minh Thái Tổ Cao Hoàng đế 大明太祖高皇帝 Chu Nguyên Chương (朱元璋, 1328-1398) lập ra.
Ngoài ra phải kể đến vài lần xưa kia quân dân ta đánh đuổi quân Nam Hán (南漢, 917-971) trong trận Bạch Đằng 白藤江之 năm 938, quân Tống (宋朝, 960–1279) ở trận Như Nguyệt năm 1077 cuối cuộc Chiến Tống - Việt (宋越熙宁战争, 1075-1077)…
Sử sách Trung Quốc có chép (dù thiên lệch nhiều) những chuyện đó. Nhưng sao người Tầu mau quên thế, hay họ cố tình quên. Còn người Việt, chúng ta phải nhớ!
2. Nhiều người không biết đến người anh hùng áo vải từng lật đổ một triều đại nhà Minh hùng mạnh:
Trong dịp tham dự lớp tập huấn chuyên môn tại tại Số 3 Tần Thành 秦城3 thuộc Quận Xương Bình 昌平区, thủ đo Bắc Kinh 北京市 từ ngày 26/5/ đến 11/6/2009 chúng tôi được đưa đi thăm Thập Tam Lăng 明十三陵. Đây là quần thể lăng mộ 13 vua đời Minh (1368-1644), cách Bắc Kinh 50 km về phía Tây Bắc.
Trên đường đi thấy cạnh  xa lộ có một pho tượng lớn hình người cưỡi ngựa rất uy nghi, hỏi hướng dẫn viên tượng ai, cô ấy lặng thinh. Đến gần, người lái xe bảo đó là tượng tướng quân Lý Tự Thành. Nhưng hỏi ông này là ai thì cả hướng dẫn viên, lái xe và phiên dịch đều im lặng.
Lục lại trí nhớ, tôi lược kể cho cả đoàn nghe rằng: Lý Tự Thành (李自成,1606-1645) nguyên danh là Hồng Cơ 鴻基, là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa nông dân lật đổ nhà Minh (大明,1368–1644) vào năm 1644. Thành công ông lập nước Đại Thuận (大順, 1644–1645), tự xưng là Đại Thuận hoàng đế 大順皇帝, lên ngôi tại kinh thành nhà Minh. Nhưng, quân Mãn Châu 滿洲 tràn vào Trung Quốc lật đổ Lý Tự Thành, lập nên nhà Thanh (大清國, 1644 – 1912). (Tất nhiên khi đó chỉ kể đại khái còn chi tiết và mốc thời gian như đã viết là khi ở nhà có tìm đọc lại sách vở hẳn hoi).
Đối với triều Minh, Lý Tự Thành là giặc nhưng đối với nông dân ông ta  là anh hùng, cầm đầu nghĩa quân chống lại chế độ phong kiến.
Trong khi đó, khi đí gần đến Sân vận động quốc gia Bắc Kinh 北京国家体育còn gọi là "Sân Tổ chim" hoàn thành tháng 3 năm 2008 thì ai cũng hào hứng giới thiệu.
3. Thêm thắt để chứng minh dòng dõi Hán nhân với người nổi tiếng:
Hiện nay trên VTV2 đang chiếu bộ phim Càn Long truyền kỳ, khái quát những về chân dung vị vua anh minh, sáng suốt trong việc trị vì quốc gia của triều đinh  nhà Thanh
Trong đó cho thấy: khi phủ của Ung Thân Vương (Hoàng đế Ung Chính sau này) trở nên nhộn nhịp bởi sinh thêm một Cách cách thì bên nhà Trần Thế Quán (Trần Các lão) sát cạnh cũng sinh nhưng là bé trai! ở Hải Ninh cũng có thêm một đứa trẻ.
Ung Chính nghe tin, lệnh cho Trần mang con vào vương phủ của mình để xem mặt rồi thực hiện việc tráo đổi. Đứa con trai nhà họ Trần bị đánh tráo vào phủ Ung Chính sau này chính là Hoàng đế Càn Long.
Còn theo Thanh sử cảo 清史稿 chép tại quyển 10 本紀十 thì:  Càn Long hoàng đế (清高宗乾隆帝, trị vì 1735-1796) tên thật là Hoằng Lịch , là con trai thứ 4 của Thanh Thế Tông Ung Chính hoàng đế (清世宗雍正帝, trị vì 1722 – 1735), mẹ là Hiếu Thánh Hiến hoàng hậu Nữu Hỗ Lộc thị (孝圣宪皇后鈕祜祿氏, 1693 – 1777), vốn là Quý phi 熹貴妃 của Ung Chính đế.
Câu chuyện hoán đổi con đã được Kim Dung hư cấu thành bộ tiểu thuyết Thư kiếm ân cừu lục. Tuy nhiên căn cứ vào chính sử nhà Thanh thì rõ ràng đây chỉ là truyền thuyết, thể hiện mong ước của người Hán khi bị người Mãn đô hộ, tự an ủi mình rằng vua trên ngai vàng vẫn là người Hán.
4. Không phân biệt được đường tuần biên với biên giới:
Trưa ngày 06/5/2002 xẩy ra vụ nổ súng khi phục bắt các đối tượng buôn bán chất ma tuý, vũ khí tại bãi cây Tống quán sủi, thôn Hảo Sư Tủng xã Pha Long, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai  giáp với địa phận Mộc Thành, huyện Hà Khẩu, châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam bên Trung Quốc. Hậu quả là 1 tử vong,  3 bị thương là người Trung Quốc; người Việt Nam có 3 bị thương.
Ngày 07/05/2002, sau khi đã thống nhất giữa 2 ĐBP đối đẳng, đoàn cán bộ Việt Nam cùng đoàn cán bộ Trung Quốc đến nơi xẩy ra vụ việc xác định hiện trường, thu thập dấu vết, vật chứng. Có lắm chuyện đáng kể nhưng  nhớ nhất chuyện khẳng định hiện trường xẩy ra vụ việc là thuộc đất Việt Nam.
Ban đầu, bên TQ cho rằng nơi xẩy ra vụ việc trưa 06/5 nằm sát đường biên và thuộc đất Trung Quốc, chỉ có một số vỏ đạn là nằm bên này đường biên thuộc đất Việt. Sau một hồi căng nhau, qua đối chiếu bản đồ, hỏi dân chúng làm nương trên thực địa, đoàn ta mới buộc được đoàn TQ thống nhất:
- Toạ độ nơi xẩy ra vụ việc trưa 06/5 ghi theo cả 2 Bản đồ VN,  TQ là 24. 21 ô 8 và 26. 21 ô 8;
- Hiện trường  là khu bãi cây Tống quá sủi của gia đình ông Hảng Seo Chẩn (40 tuổi,  trú tại thôn Thàng Chư Pến,  xã Tả Ngải Chồ,  huyện Mường Khương,  tỉnh Lào Cai của Việt Nam). Bãi cây này nằm 2 bên đường tuần biên của Việt Nam từ mốc 18 đến mốc 19.
- Nơi này cách đường phân thuỷ (biên giới Việt-Trung) ở phía Bắc 100m. Như vậy nó nằm ở 2 bên đường tuần biên và phía dưới đường biên giới trong nội địa Việt Nam.
- Quanh bãi cây là nương ngô của đồng bào thôn Thàng Chư Pến,  xã Tả Ngải Chồ thuộc Việt Nam và của 1 hộ người dân Mộc Thành bên Trung Quốc 中国云南省红河哈尼族彝族自治州河口木城新寨 do xen canh vùng biên.
Thực chất, đoàn Trung Quốc biết rõ đường “tuần biên” do BĐBP Việt Nam tạo ra nằm phía dưới dốc so với đường “biên giới Việt Trung” ở đỉnh dốc, nơi “phân thủy” nhưng họ coi như phớt lờ, cứ cãi. Ta không cứng là họ lấn, thế thôi!!
5. Bài học không bao giờ cũ:
Viết đến đây càng thấm: biên giới trên bộ đã được phân định và phân giới cắm mốc kéo dài trên 10 năm, từ năm 1885 cho đến năm 1895 bằng Công ước ký giữa Pháp với Thanh. Sau này, ngày 30 tháng 12 năm 1999, tại thủ đô Hà nội, đại diện Chính phủ hai nước đã ký “Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc” (“Trung Việt Lục Địa Biên Giới Điều Ước” 中越陆地边界条约, đựơc quốc hội Trung Quốc thông qua ngày 29/4/2000 và Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 9/6 cùng năm) và đã  hoàn thành việc cắm mốc mà họ còn cố tình “nhập nhằng” thế huống chi ranh giới trên biển!!
Tất nhiên, trên biển, có Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ (ký ngày 25 tháng 12 năm 2000 giữa chính phủ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tại Bắc Kinh nhằm xác định biên giới lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế trong Vịnh Bắc Bộ thay thế Công ước Pháp-Thanh 1887) nhưng ký thì ký đấy, họ cứ lý giải và hành động theo ý họ!
Như thế, người Trung đâu không biết và quên lịch sử, địa lý. Tất cả lời nói, hành động bẻ cong đó của họ đều có mục đích cả! Còn việc ý đồ của họ có đạt được  hay không lại là chuyện khác!
Do vậy, khi họa lại bài xướng LÃO LÁNG GIỀNG  của một bạn trên Fb tôi đã viết:
BÊN LÁNG GIỀNG XẤU CHƠI

Xin kể chuyện quê xứ Lạc Hồng:
Thiên tạo sống cạnh giống kỳ nhông.
Rào chặt vẫn phen tan cây mận,
Chống luôn còn bận nát khóm hồng.
Bao phen đuổi giặc nơi rừng Bắc,
Mấy bận xua thù chốn biển Đông.
Nối đời tôi luyện lòng gang thép
Sắt son thề giữ vẹn núi sông!

1 nhận xét:

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân