Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2015

Về BÀI THƠ “NAM QUỐC SƠN HÀ”

Thời gian gần đây trên các trang mạng rộ lên bàn tán xung quanh việc Sách giáo khoa in bài thơ “Nam quốc sơn hà” có vẻ “khác thường” (!?). Đọc kỹ các bài từ chê đến bênh, từ của bậc trí giả đến người bình dân thấy vẫn còn điều lợn cợn mà chưa ai đề cập đến.
Ngẫm mãi, thứ Bẩy cả nhà đi vắng, rỗi viết lại và lên tiếng, không phải a dua “theo đám đông” mà nói lên cái Tâm, cái Trí của mình, cũng là một cách tri ân tiền nhân!
1. Nam quốc sơn hà 南國山河 là 4 chữ đầu một bài thơ thể thất ngôn tứ tuyệt, hiện còn chưa rõ tác giả chứ không phải tên bài thơ và tác giả là Lý Thường Kiệt như nhiều người khẳng định. Đây là bài thơ “THẦN” 神詩  được coi là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam và chỉ được đưa vào chính sử khi nhóm Ngô Sĩ Liên (吳士連, ?-?) soạn “Đại Việt Sử ký Toàn thư” 大越史記全書 từ giữa thế kỷ XV, khắc in vào năm 1697 dựa trên cuốn Đại Việt sử ký 大越史記  của Lê Văn Hưu (黎文休, 1230-1322) soạn hồi thế kỷ XIII mà nay đã bị thất lạc.
Theo những tư liệu hiện có thì bài thơ này do Thần đọc giúp cả Lý Thường Kiệt (李常傑, 1019 – 1105) phá quân Tống năm 1077 ở phòng tuyến sông Cầu . Nhưng có tư liệu nói do Thần từng đọc giúp Lê Hoàn (黎桓,  941 – 1005) đánh quân Tống (宋朝, 960–1279) năm 981 trên sông Bạch Đằng 白藤江 !.
2. Nội dung bài thơ này hiện tìm thấy 35 dị bản nhưng bài khắc trên Mộc bản triều Nguyễn là bản khắc gỗ cổ nhất còn lại cho đến ngày nay. Phiên bản này thống nhất với bản bài thơ trong Đại Việt sử ký toàn thư có nội dung như sau:
2.1. Nguyên bản chữ Hán:
南國山河
2.2. Bản phiên âm Hán-Việt:
Nam quốc sơn hà
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên phân định tại Thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
2.3. Bản dịch thơ:
Sông núi nước Nam
Sông núi nước Nam, vua Nam ở,
Rành rành phân định tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời
3. Một trong những dị bản là bản quen thuộc mà lứa chúng tôi đã được học:
3.1. Nguyên bản chữ Hán (đổi vị trí 2 chữ và ):
南國山河
3.2. Bản phiên âm Hán-Việt (đổi vị trí 2 chữ định và phân/phận):
Nam quốc sơn hà
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
3.3. Bản dịch thơ :
Sông núi nước Nam
Sông núi nước Nam, vua Nam ở,
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời
(Bản dịch này từ lâu phổ biến trên nhiều sách báo và trong nhà trường, song không ghi tên dịch giả Hoàng Xuân Hãn (1908-1996)).
4. Ngược dòng lịch sử, trước Đại Việt sử ký toàn thư, sách Lĩnh Nam chích quái 嶺南摭怪 do Trần Thế Pháp (陳世法 ?-?) soạn đời Trần (陳朝, 1226–1400) gắn bài thơ với cuộc chiến chống quân Tống lần thứ nhất thời Tiền Lê của Lê Đại Hành năm 981, với nội dung hơi khác một chút như sau:
4.1.Nguyên văn chữ Hán:
南國山河南帝居,
皇天已定在天書。
如何北虜來侵掠,
白刃翻成破竹餘。
4.2. Phiên âm Hán Việt:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư.
Như hà Bắc lỗ lai xâm lược,
Bạch nhận phiên thành phá trúc dư.
4.3. Dịch nghĩa:
Sông núi nước Nam thì Hoàng đế nước Nam ở.
Thượng đế đã định rõ như vậy trong sách trời.
Cớ sao giặc phương Bắc lại tới đây xâm lược,
Gươm sáng sẽ chém hết các ngươi tan tành như chẻ tre.
5. Như đã nói ở trên, đến nay các học giả đã tìm thấy 35 dị bản bằng chữ Hán của bài thơ THẦN này, vì thế, có nhiều bản dịch cũng là chuyện bình thường.
Gần đây dư luận xôn xao bởi bản dịch có nội dung là:
Núi sông Nam Việt vua Nam ở,
Vằng vặc sách trời chia xứ sở.
Giặc dữ cớ sao phạm đến đây?
Chúng mày nhất định phải tan vỡ.
Thực ra đây không phải là bản “dịch mới, dịch lại” như nhiều người nói mà nó là bản dịch của 2 nhà Hán học uyên thâm là Giải nguyên Lê Thước (1891 - 1975) và Tú tài Nam Trân (1907-1967) có trong cuốn Thơ văn Lý Trần - tập 1, NXB Khoa học xã hội, 1977!
Hơn nữa dịch, nhất là dịch thơ ra thơ luôn mang tính tương đối nên băn khoăn về “dịch mới, dịch lại”, “làm mất ý nghĩa bài thơ” là không có cơ sở.
6. Cá nhân tôi, do ham thích nên đã đọc nhiều các lời giảng, lời bình mà không ít tác giả là những Giáo sư, Tiến sĩ dạy Đại học, nghiên cứu ở Viện nọ, trường kia, bằng cấp Hán văn, Anh văn…đầy mình. Tôi thán phục họ bởi đó là những bậc thầy về chuyên ngành trong khi mình chỉ là hậu sinh, không học chuyên ngành, kiến thức lỗ mỗ và chắp vá. Song từ tâm thức mình, tôi thấy những bài viết đó có bài thể hiện rõ tác giả chưa nắm chắc về lịch sử Việt, Hán, về sự tế nhị của thời cuộc và do vậy họ chưa nhận ra sự sâu sắc trong những chữ đầy ẩn dụ của tiền nhân. Sau đây, qua mấy chữ của 2 câu đầu sẽ thấy:
7. Câu thứ nhất: 南國山河南帝居 (Nam quốc sơn hà Nam đế cư)
7.1. Chữ “hà” trong “sơn hà” 山河:
Hán tự có 2 chữ chỉ sông, đó là (hà) và (giang) và ở Trung Quốc:
- 2 tỉnh nằm ở phía bắc, trung của Trung Quốc, tức hai bờ sông Hoàng Hà 黃河 được xem là vùng đất phát nguyên trung tâm của nền văn minh Trung Hoa 中华文化 là: Hà Bắc 河北 và Hà Nam 河南 thường gọi là Lưỡng Hà 兩河;
- Còn tỉnh nằm cách xa trung tâm và độc lập với nền văn minh Hoa Hạ 華夏 cổ cũng gắn với sông nhưng lại lấy chữ “giang”:  Chiết Giang 浙江 (trong tiếng Việt hay bị viết nhầm thành Triết Giang), Giang Tô 江苏, Giang Tây 江西.
 Bài thơ dùng chữ  (hà) hàm ý khẳng định Việt và Hoa là hai xứ khác nhau, hai đất nước khác nhau và nước Việt lập quốc ngang thời với vùng Hoa Hạ. Đất nước này có văn minh riêng-Văn minh sông Hồng mà chữ Hán là 紅河 (Hồng hà) chứ không phải là phên dậu sau này nhập vào Bắc quốc như vùng Giang Nam 江南 (vùng đất nằm về phía nam của hạ lưu Trường Giang 長江 (Dương Tử 扬子江, con sông dài nhất châu Á)) !
7.2. Chữ “đế” trong “Nam đế” 南帝:
Quốc gia quân chủ là quốc gia mà cấu trúc chính quyền có vua đứng đầu. Tùy độ lớn của quốc gia  mức độ ảnh hưởng của nó tới lân bang mà người đứng đầu đó có thể gọi là:
- Hoàng đế (H: 皇帝, A: emperor , P: empereor là tước vị cao của vua thường là người cai trị của một đế chế hoặc loại khác của vương quốc đế quốc. Chữ này do Doanh Chính (嬴政/Triệu Chính 趙政, 259 tCn-210 tCn) đặt ra khi diệt 6 nước, thống nhất trung nguyên (221 tCn) sáng lập ra nhà Tần (秦朝, 221 tCn - 206 tCn), trở thành  Tần Thủy Hoàng 秦始皇.
- Vương mà tiếng Việt gọi là “Vua” 君主 là người đứng đầu tối cao, thực tế hoặc biểu tượng, của chính quyền quân chủ ở một quốc gia. Nó là cấp dưới thấp hơn “đế”, do “đế” phong.
Trong lịch sử thời phong kiến tự chủ, để sống yên ổn bên cạnh anh hàng xóm lớn, nặng tư tưởng bá quyền, các triều đình Đại Việt đã tìm ra cách chung sống hiệu quả bằng cách ứng xử “trong đế ngoài vương”! Tức là: bên ngoài vẫn cầu phong, xưng thần với “thiên tử” Trung Quốc nhưng bên trong thì đường hoàng là hoàng đế Việt Nam, “nghêng ngang riêng một biên thuỳ, thiếu gì cô quả thiếu gì bá vương”.
7.3. Trong bài thơ, cổ nhân dùng “Sơn hà” và “Nam đế” hàm ý: Nước Nam, “vốn xưng nền Văn hiến đã lâu” và có chủ, chủ là Hoàng đế giống như bên Bắc quốc! Nên mọi bản dịch chữ “南帝” (Nam đế) chuyển thành “Vua Nam” là chưa nêu bật được tinh thần quốc gia, tự tôn dân tộc của bài thơ!
8. Về câu thứ 2: /分定 (Tiệt nhiên định phận/phân định tại Thiên thư)
8.1. Chữ “phận” (cũng đọc là “phân”) có nghĩa là tách chia, địa phận, ranh giới, biên giới và cũng có nghĩa là danh phận, chức phận, số phận. Do vậy viết “định phận” sẽ được hiểu là số phận đã định, gợi lên một liên tưởng tiêu cực, thụ động. Phải là “phân định” thể hiện rõ việc “núi sông bờ cõi đã chia” rất rõ ràng.
8.2. Thiên Thư 天書 là sách Kinh Thư 書經, tức bản Thượng Thư 尚書 mà Khổng Tử (孔子,  551 –479 tCn) đã san định trong đó có kể về Việt Thường Thị    giao hảo với nhà Chu (周朝, 1122 –249 tCn) cống chim Trĩ. Các sử gia Trung Hoa về sau đều căn cứ vào đó để chép, phân tích, nghiên cứu lịch sử và tư tưởng chính trị của Trung Quốc thời cổ đại.
Về việc này Đại Việt sử ký toàn thư chép:  Thời Hoàng Đế   dựng muôn nước, lấy địa giới Giao Chỉ   về phía Tây Nam, xa ngoài đất Bách Việt  . Vua Nghiêu sai Hy thị đến ở Nam Giao   để định đất Giao Chỉ ở phương Nam. Vua Vũ chia chín châu  thì Bách Việt thuộc phần đất châu Dương  , Giao Chỉ thuộc về đấy. Từ đời Thành Vương   nhà Chu mới gọi là Việt Thường thị   , tên Việt bắt đầu có từ đấy.
8.3. Từ “Phân định” dẫn ở sách “Thiên thư”, tiền nhân khẳng định Việt và Hoa  hay nói cách khác Nam và Bắc là hai quốc gia khác nhau, độc lập với nhau và điều đó đã được phân chia ranh giới rõ ràng từ thượng cổ. Do vậy, cùng với câu 1 đã phân tích ở trên bài thơ được xem là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt.
Trên tinh thần ấy, tôi thích bản dịch ở Đại Việt sử ký toàn thư:
Sông núi nước Nam, Nam đế ở,
Rõ ràng phân định tại sách trời
Cớ sao nghịch tặc sang xâm phạm?
Cứ thử làm xem, chuốc bại nhơ!


-Lương Đức Mến, Thu Ất Mùi 2015-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân