Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

Chặng đường gập ghềnh của Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp

Ngày xưa Rùa thắng bởi mưu,Ngày nay Rùa chậm bởi nhiều lý do!
Việc thực hiện chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp và bồi dưỡng khám nghiệm tử thi đối với lực lưọng Kỹ thuật và Pháp y là đương nhiên. Nhưng quá trình hình thành chính sách và thực hịên chế độ đó là cả một quá trình dài, đầy gập ghềnh. Tìm lại những mốc liên quan càng thấy rõ điều đó!
Trước 1985 đó là “bồi dưỡng bằng hiện vật” (đường, sữa, thịt lợn) theo với nhiều mức khác nhau. So với mặt bằng chung thì đây là thời kỳ lực lượng KTHS được ưu ái nhất, được hưởng chế độ bồi dưỡng cao hơn hẳn so với các lực lượng khác (ví dụ: CSGT, CSKT…).
Trong thời kỳ đổi mới, ngày 21/7/1988, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Nghị định 117-HĐBT về giám định tư pháp. Đây là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên về lĩnh vực này ở nước ta. Từ đó công tác giám định dần được quan tâm, đi vào nền nếp; các giám định viên được bổ nhiệm, các Tổ chức giám định ra đời (chủ yếu là Pháp y, Kỹ thuật hình sự). Nhưng các giám định viên vẫn làm “không công” là chủ yếu bởi chưa có chính sách, chỉ có sự “hỗ trợ” của UBND tỉnh và mức “bồi dưỡng bằng hiện vật” theo từng ngành. Trong lúc các lực lượng khác có thêm nhiều khoản thu chính đáng ngoài lương!
Ba năm sau, ngày 3/7/1991 Liên bộ Tư pháp - Tài chính có Thông tư số 478 TT/LB quy định mức bồi dưỡng cụ thể. Theo đó, khám nghiệm và mổ tử thi chết trong vòng 48 giờ bác sĩ pháp y được hưởng 9.000 đồng; người chết quá 7 ngày hoặc phải khai quật là 22.000 đồng; các loại vụ việc làm tại cơ quan giám định nếu đơn giản thì 2.000 đồng, phức tạp thì 3.000 đồng một vụ việc.  Từ đây việc bồi dưỡng tính bằng tiền chính thức được quy định.
Năm năm nữa, ngày 15/3/1996 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 160/TTg về bồi dưỡng giám định tư pháp và được cụ thể hóa bằng Thông tư số: 355 TT/LB Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ - Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp ký ngày 12/10/1996. Theo đó, khám nghiệm và mổ tử thi người chết trong vòng 48 giờ là 80.000 đồng; thời gian chết quá 7 ngày hoặc phải khai quật là 150.000 đồng; làm tại cơ quan giám định từ 20.000 đồng - 30.000 đồng một vụ việc...
Nhưng tại các văn bản trên đều không tính đến những người giúp việc GĐV, trực tiếp cùng có mặt để khám nghiệm như cán bộ kỹ thuật hình sự, điều tra viên, kiểm sát viên.... Hai năm sau, ngày 5/3/1998 tại Quyết định số 57/1998/QĐ-TTg bổ sung cho Quyết định 160/TTg  từ đó những cán bộ đó mới được hưởng phụ cấp trên.
Pháp lệnh số 24/2004/PL-UBTVQH11 về giám định tư pháp thông qua ngày 29-9-2004 đã thay thế cho Nghị định 117-HĐBT và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2005. Pháp lệnh có hẳn một chương quy định về phí giám định tư pháp, trong đó có bồi dưỡng giám định. Như vậy trên cấp vĩ mô cái nhìn về giám định tư pháp đã thay đổi căn bản. Đồng thời, so với thời điểm 1996, đất nước đã có nhiều đổi thay, giá cả tăng nhiều… nhưng chế độ bồi dưỡng vẫn “dẫm chân tại chỗ”. Nhiều khi thanh toán tiền bồi dưỡng về tính ra vừa đủ tiền mua giấy làm thủ tục, tiền xăng xe đi quyết toán!.
Trong khi các nhà hoạch định chính sách còn đang hội thảo, tranh luận về mức bồi dưỡng thì giá cả không ngừng tăng. Đương nhiên người thiệt thòi là các Giám định viên! Chính đây là giai đoạn các bác sĩ pháp y rời ngành đông nhất! Để “chữa cháy” một số địa phương đã “phá rào” dùng ngân sách địa phương “hỗ trợ” cho các Giám định viên và Tổ chức giám định.
Hồi đó một số vụ việc mà việc giám định lình xình, kéo dài, liên quan đến nhiều ngành ở trung ương, lại có Nghị quyết 08/NQ-TƯ của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp hỗ trợ cùng nhiều người “đeo bám” kiên trì nên công tác giám định được quan tâm hơn. Rồi qua mấy cuộc họp cấp bộ, ngành, liên ngành bản dự thảo đã đủ hình hài và được các cơ quan chức năng có chung tiếng nói.
Ngày 07/5/2009, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã ký Quyết định 74/2009/QĐ-TTg về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2009. Đến ngày 04 tháng 5 năm 2010 Liên Bộ Tư pháp - Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ mới thống nhất và ra được Thông tư Liên tịch Số 09/2010/TTLT-BTC-BNV hướng dẫn thực hiện. Đây là mốc lớn, đánh dâu bước trưởng thành về quy định chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp, đặc biệt về định mức.
Vậy là sau 5 năm rưỡi tính từ ngày ban hành Pháp lệnh giám định tư pháp mới có văn bản của quy định mức bồi dưỡng giám định, hướng dẫn cách tính, chi trả…. Tuy nhiên, các cơ quan thực thi cấp dưới vẫn lúng túng, tranh cãi nhau nhiều điểm. Nhất là về cách tính, mức hưởng, việc quyết toán còn quá nhiều mù mờ, vướng mắc nên vẫn chưa thực hiện được!.
Vụ việc vẫn xẩy ra, các GĐV vẫn phải giám định còn các nhà hoạch định chính sách lại viết, lại sửa, lại hội thảo. Chỉ tội cho các GĐV tiền thù lao chính đáng cho chất xám và trách nhiệm của mình không được hưởng mà chưa biết hỏi ai, ai nợ, lãi xuất thế nào, có được truy lĩnh không?
Ngay cả khi vào này 25/10/2010 Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số: 1958/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp đã yêu cầu: “…các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc công tác dự toán, phân bổ kinh phí thường xuyên bảo đảm việc thanh toán đúng, đủ, kịp thời chi phí giám định, chi phí bồi dưỡng cho người thực hiện giám định tư pháp theo quy định của Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ; chấm dứt tình trạng nợ đọng chi phí giám định và chi bồi dưỡng người làm giám định trong quý I năm 2011” tình hình ở các địa phương xem ra vẫn chưa sáng tỏ lắm.
Như thế Phí, Lệ phí chưa được thu; chế độ bồi dưỡng độc hại đã có nhưng chưa được hưởng đầy đủ song nghĩa vụ pháp lý phải thực hiện ngay. Ngày 02/8/2006 Chính phủ có Nghị định số 76/2006/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp (trong đó có quy định về Hành vi vi phạm của người giám định tư pháp với mức phạt thấp nhất 200.000 đ, cao nhất tới 3 triệu đồng) .…Quyền lợi đâu chưa thấy đã thấy nguy cơ bị phạt ngay trước mắt. Điều đó dễ hiểu vì sao ta không có đủ GĐV và giám định tư pháp vốn đã lép vế lại thêm chẳng dám mạnh tay, lớn tiếng.
Sau đó, ngày 12/8/2011 Bộ trưởng Bộ Tài chính ra THÔNG TƯ số 114/2011/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lí và sử dụng phí giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y. Gần 5 tháng sau, ngày 04 tháng 01 năm 2012 Bộ Công an có CÔNG VĂN số 24/BCA-V22 hướng dẫn thực hiện mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí giám định tư pháp và kinh phí bồi dưỡng giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y trong Công an nhân dân. Xem ra có vẻ sáng sủa hơn nhưng liệu các cơ quan và những cán bộ thực thi chính sách, những người có quyền đã thực hiểu, thông cảm, chia sẻ với các GĐV và những người chung trách nhiệm (KTV, KTHS, ĐTV, KSV) để chính sách đi vào cuộc sống không lại là vấn đề khác! Đặc biệt việc hiểu và thực hiện những nội dung quy định tại CÔNG VĂN số 24/BCA-V22 của Bộ Công an cũng còn nhiều vấn đề cần được thống nhất.
Mong những người có trách nhiệm, các cơ quan hữu quan sớm thống nhất nhận thức, thực hiện để yên lòng các GĐV, KTV, ĐTV, KSV. Điều đó chỉ có lợi cho công việc, có ích cho công cuộc điều tra, phòng, chống tội phạm.
Văn bản QPPL nào cũng ghi “có hiệu lực kể từ ngày ký” hay “có hiệu lực từ ngày 01/7/xxxx”. Nhưng đã thành thông lệ: Luật cần có Pháp lệnh, rồi Nghị định, Thông tư sau lại còn Công văn hướng dẫn của cơ quan chủ quản nữa mới thực thi được. Ngần ấy tầng nấc, mỗi nơi chậm một chút là tiêu mấy năm trời, thậm chí hết trọn “một nhiệm kỳ”!
Ngành tư pháp đang có những việc rất lớn là: triển khai Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” ban hành kèm theo Quyết định số: 258/QĐ-TTg  ngày 11 tháng 02 năm 2010 của Thủ tương Chính phủ và Dự án “Luật giám định tư pháp” theo Quyết định số 1586/QĐ-TTg ngày 24/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, pháp lệnh. Toàn những việc quan trọng, lợi ích lâu dài cả
Chúng ta đang tiến hành cải cách hành chính, cải cách tư pháp…Có lẽ “cải” đầu tiên là cách xây dựng văn bản pháp luật. Mỗi văn bản cần cụ thể, khả thi hạn chế quá nhiều nấc văn bản hướng dẫn. Mong lắm thay!
Đã đến lúc cần biết rằng: các GĐV và ai cũng vậy không chỉ làm việc, cống hiến bằng nhiệt tình, lý tưởng và lời động viên suông. Sự hao phí sức lao động, hao tổn chất xám, ảnh hưởng sức khoẻ do độc hại, căng thẳng tâm lý và theo đó là đóng góp của họ cho xã hội phải được đền bù đúng như nó phải được hưởng. Các GĐV cần được xã hội, nhà nước, cơ quan sử dụng thành quả của họ ghi nhận, tôn vinh và trả thù lao tương xứng, đặc biệt trong thời đại “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”!.
Trên tinh thần đó, tôi sưu tầm và sao lục các văn bản liên quan đến chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp, tập hợp lại để chúng ta cùng nhớ, cùng chia sẻ, cùng thực hiện.
Đây cũng là việc làm thiết thực kỷ niệm 50 năm ngày Truyền thống lực lượng CSND (20/7/1962-20/7/2012) và kỷ niệm 55 năm ngày Truyền thống lực lượng KTHS (23/8/1957-23/8/2012).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân