Ngày 12 tháng 08 năm 2011, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số: 114/2011/TT-BTC Quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 9 năm 2011. Theo đó:
I. Đối tượng nộp phí:
1. Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định phải nộp phí giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y đối với các vụ án hình sự.
2. Tổ chức, cá nhân đề nghị trưng cầu giám định phải nộp phí giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y đối với vụ việc dân sự, vụ án hành chính.
Người đề nghị trưng cầu giám định là thương binh, thân nhân liệt sĩ, người bị nhiễm chất độc da cam, người nghèo, người già cô đơn, không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, khuyết tật không phải nộp chi phí giám định tư pháp. Khoản chi phí này do ngân sách nhà nước chi trả.
II. Mức thu phí:
Phí giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y bao gồm chi phí giám định tư pháp và tiền bồi dưỡng giám định tư pháp.
Mức thu phí giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y thực hiện theo quy định tại Biểu phí giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y ban hành kèm theo Thông tư này.
III. Tổ chức thu, nộp, quản lý và sử dụng:
1. Cơ quan thu phí là Viện Pháp y Quốc gia - Bộ Y tế; Trung tâm Pháp y, Tổ chức giám định Pháp y trực thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Phòng giám định Pháp y thuộc Bệnh viện đa khoa cấp tỉnh; Viện Pháp y quân đội, Bệnh viện cấp quân khu thuộc Bộ Quốc phòng; Trung tâm pháp y thuộc Viện Khoa học hình sự của Bộ Công an, Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
2. Khi cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nộp hồ sơ trưng cầu giám định, phải nộp phí giám định tư pháp.
Khi tổ chức, cá nhân đề nghị trưng cầu giám định, phải nộp phí giám định tư pháp cho cơ quan tiến hành tố tụng để nộp phí khi trưng cầu giám định.
3. Cơ quan thu phí được chi trả tiền bồi dưỡng giám định tư pháp theo quy định hiện hành; được trích để lại 95% trên tổng số tiền chi phí giám định thu được trước khi nộp vào ngân sách nhà nước, để trang trải cho việc thu phí.
Phần tiền chi phí giám định tư pháp còn lại (5%), cơ quan thu phí nộp vào ngân sách nhà nước theo chương, loại, khoản, mục, tiểu mục tương ứng của mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.
IV. Về các "Trường hợp" nói tại Thông tư này:
1. “Trường hợp 1” là áp dụng theo khoản 2 điều 2 Quyết định 74/2009/QĐ-TTg, tức là: Mức 150.000 đồng/người giám định tư pháp/ngày làm giám định áp dụng đối với việc giám định phức tạp hoặc phải tiếp xúc với đối tượng giám định mang nguồn bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B, C quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm hoặc phải thực hiện giám định trong môi trường bị ô nhiễm nhưng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 2.
2. “Trường hợp 2” là áp dụng theo khoản 3 điều 2 Quyết định 74/2009/QĐ-TTg, tức Mức 250.000 đồng/người giám định tư pháp/ngày làm giám định áp dụng đối với việc giám định mà phải tiếp xúc với đối tượng giám định nhiễm HIV/AIDS hoặc bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm thuộc nhóm A quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm hoặc phải thực hiện giám định trong môi trường bị ô nhiễm bởi các chất nguy hiểm đến sức khỏe như chất phóng xạ, acid, bazơ hoặc trong vùng đang có dịch bệnh nguy hiểm.
3. “Trường hợp 3” là áp dụng theo khoản 2 điều 3 Quyết định 74/2009/QĐ-TTg, tức Giám định không mổ tử thi mà tử thi không được bảo quản theo đúng quy chuẩn hoặc ở trạng thái thối rữa tự nhiên có các mức bồi dưỡng sau đây:
a) Mức 300.000 đồng/trường hợp/người giám định tư pháp áp dụng đối với người chết trong vòng 48 giờ;
b) Mức 400.000 đồng/trường hợp/người giám định tư pháp áp dụng đối với người chết ngoài 48 giờ đến 7 ngày;
c) Mức 500.000 đồng/trường hợp/người giám định tư pháp áp dụng đối với người chết quá 7 ngày;
4. “Trường hợp 4” là áp dụng theo khoản 3 điều 3 Quyết định 74/2009/QĐ-TTg, tức Giám định mổ tử thi mà tử thi không được bảo quản theo đúng quy chuẩn hoặc ở trạng thái thối rữa tự nhiên có các mức bồi dưỡng sau đây:
a) Mức 1.000.000 đồng/trường hợp/người giám định tư pháp áp dụng đối với người chết trong vòng 48 giờ;
b) Mức 1.500.000 đồng/trường hợp/người giám định tư pháp áp dụng đối với người chết ngoài 48 giờ đến 7 ngày;
c) Mức 2.000.000 đồng/trường hợp/người giám định tư pháp áp dụng đối với người chết quá 7 ngày;
d) Mức 3.000.000 đồng/trường hợp/người giám định tư pháp áp dụng đối với người chết quá 7 ngày và phải khai quật.
5. “Trường hợp 5” là áp dụng theo khoản 4 điều 3 Quyết định 74/2009/QĐ-TTg, tức Trong trường hợp tử thi được bảo quản theo đúng quy chuẩn thì người giám định tư pháp được hưởng 75% mức bồi dưỡng giám định tương ứng quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 3;
6. “Trường hợp 6” là áp dụng theo khoản 5 điều 3 Quyết định 74/2009/QĐ-TTg, tức Trong trường hợp giám định không mổ tử thi, giám định mổ tử thi mà tử thi nhiễm HIV/AIDS hoặc nhiễm bệnh đặc biệt nguy hiểm thuộc nhóm A quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm hoặc phải giám định trong môi trường có chất nguy hiểm như chất phóng xạ, acid, bazơ hoặc trong vùng đang có dịch bệnh nguy hiểm thì áp dụng mức bồi dưỡng cao nhất của giám định không mổ tử thi quy định tại khoản 2 hoặc mức bồi dưỡng cao nhất của giám định mổ tử thi quy định tại khoản 3 Điều 3.
V. Một số thuật ngữ chuyên môn trong Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg:
1. Người mắc bệnh truyền nhiễm là người bị nhiễm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm có biểu hiện triệu chứng bệnh.
2. Người mang mầm bệnh truyền nhiễm là người mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhưng không có biểu hiện triệu chứng bệnh.
3. Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong, bao gồm bệnh do vi rút A-đê-nô (Adeno); bệnh do vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); bệnh bạch hầu; bệnh cúm; bệnh dại; bệnh ho gà; bệnh lao phổi; bệnh do liên cầu lợn ở người; bệnh lỵ A-míp (Amibe); bệnh lỵ trực trùng; bệnh quai bị; bệnh sốt Đăng gơ (Dengue), sốt xuất huyết Đăng gơ (Dengue); bệnh sốt rét; bệnh sốt phát ban; bệnh sởi; bệnh tay-chân-miệng; bệnh than; bệnh thủy đậu; bệnh thương hàn; bệnh uốn ván; bệnh Ru-bê-ôn (Rubeon); bệnh viêm gan vi rút; bệnh viêm màng não do não mô cầu; bệnh viêm não vi rút; bệnh xoắn khuẩn vàng da; bệnh tiêu chảy do vi rút Rô-ta (Rota);
4. Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh, bao gồm bệnh do Cờ-la-my-đi-a (Chlamydia); bệnh giang mai; các bệnh do giun; bệnh lậu; bệnh mắt hột; bệnh do nấm Can-đi-đa-an-bi-căng (Candida albicans); bệnh Nô-ca-đi-a (Nocardia); bệnh phong; bệnh do vi rút Xi-tô-mê-ga-lô (Cytomegalo); bệnh do vi rút Héc-péc (Herpes); bệnh sán dây; bệnh sán lá gan; bệnh sán lá phổi; bệnh sán lá ruột; bệnh sốt mò; bệnh sốt do Rích-két-si-a (Rickettsia); bệnh sốt xuất huyết do vi rút Han-ta (Hanta); bệnh do Tờ-ri-cô-mô-nát (Trichomonas); bệnh viêm da mụn mủ truyền nhiễm; bệnh viêm họng, viêm miệng, viêm tim do vi rút Cốc-xác-ki (Coxsakie); bệnh viêm ruột do Giác-đi-a (Giardia); bệnh viêm ruột do Vi-bờ-ri-ô Pa-ra-hê-mô-ly-ti-cút (Vibrio Parahaemolyticus) và các bệnh truyền nhiễm khác.
5. Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh, bao gồm bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê - bô - la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg); bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh;
6. Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007.
Nguyên văn Thông tư xem tại đây
Đại tá Bác sĩ Lương Đức Mến (Sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân