Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

Tổ chức hệ thống giám định tư pháp trên thế giới

Đang nghiên cứu góp ý cho dự thảo Luật giám định tư pháp rất muốn biết các nước họ tổ chức việc này ra sao thì “vớ” ngay được bài viết của Thiếu tướng Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Tiến Quý. Xem ra mỗi nước một kiểu chả ai giống ai và chắc chả ai giống Việt Nam.

Sau đây là trích bài viết đó:
...
Trước khi bàn về tổ chức công tác giám định tư pháp tại Việt Nam, để rộng đường dư luận, chúng tôi xin nếu tổ chức công tác giám định pháp y và KTHS của một số nước trên thế giới để bạn đọc tham khảo.
- Cộng hoà Liên bang Đức:
Ở CHLB Đức có 35 Viện Pháp y thuộc các trường Đại học Tổng hợp trong toàn Liên bang đảm nhiệm việc giám định pháp y tử thi. Tất cả các tử thi cần phải tiến hành giám định pháp y đều được đưa về các Viện Pháp y để giám định. Còn giám định thương tích thì bất kỳ bác sỹ nào thuộc đoàn bác sỹ - Hiệp hội nghề y dược của Đức - đều có thể thực hịên. Trong quân đội Đức cũng có những đơn vị y tế được giao nhiệm vụ thực hiện giám định pháp y.
Về lĩnh vực KTHS: tất cả các cơ quan Cảnh sát các cấp (huyện, thành phố, bang, liên bang) đều có Phòng hoặc Trung tâm KTHS làm công tác giám định tư pháp KTHS. Cơ quan điều tra liên bang Đức (BKA) có Viện KTHS mới được xây dựng đưa vào hoạt động tháng 3.2008 với tổng kinh phí đầu tư trang thiết bị lên tới 53 triệu Euro và là cơ quan KTHS vào loại hiện đại nhất thế giới.
- Cộng hoà Pháp:
Về pháp y: CH Pháp không có hệ thống tổ chức giám định pháp y ở các cấp hành chính mà có các Trung tâm pháp y nằm ở thành phố lớn. Đây là cơ quan nhà nước có chức năng giám định pháp y của nước Pháp. Đội ngũ giám định viên pháp y của CH Pháp rất đông đảo, bao gồm các cán bộ chuyên môn thuộc các Trung tâm pháp y và các bác sỹ thuộc các chuyên khoa ở các cơ sở y tế cả của nhà nước và tư nhân trên toàn lãnh thổ Pháp. Tuy nhiên, để trở thành bác sỹ pháp y thì trước đó những người này phải qua một khoá đào tạo về pháp y kéo dài 02 năm tại các Trung tâm pháp y và phải được Toà án lựa chọn, công nhận và đưa vào danh sách giám định viên.
Về giám định pháp y tâm thần, chỉ các bệnh viện tâm thần của nhà nước đảm nhiệm việc thực hiện giám định theo trưng cầu của các cơ quan tố tụng.
Về giám định KTHS, Pháp chỉ có hệ thống các Trung tâm KTHS ở cơ quan Công an các tỉnh, thành phố trong cả nước, mà không có cơ quan KTHS cấp quốc gia. Các Trung tâm KTHS ở các tỉnh, thành phố có chức năng chính là nghiên cứu khoa học và thực hiện giám định tư pháp KTHS.
- Nhật Bản:
Nhật Bản có cơ quan nghiên cứu Quốc gia Khoa học Cảnh sát ở trung ương và cơ quan giám định nằm ở 47 Viện nghiên cứu khoa học hình sự ở địa phương, có chức năng như Viện KHHS và Phòng KTHS ở Việt Nam. Nhiệm vụ chính của các cơ quan này là thực hiện giám định tư pháp ở cả hai lĩnh vực KTHS và pháp y.
- Thuỵ Điển:
Ở lĩnh vực giám định pháp y và pháp y tâm thần, Thuỵ Điển có Uỷ ban Quốc gia về giám định y học và có các phòng giám định y học đặt tại các khu vực. Đây là các cơ quan giám định tư pháp về pháp y và pháp y tâm thần.
Về lĩnh vực giám định KTHS, Thuỵ Điển có Viện KHHS ở cấp quốc gia và phòng KTHS ở 21 cơ quan Cảnh sát cấp hạt. Viện KHHS có chức năng nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và thực hiện giám định tư pháp.
- Trung Quốc:
Về lĩnh vực pháp y trước 2006, Trung Quốc có tổ chức giám định ở các ngành Y tế, Công an, Quân đội, Kiểm sát, Toà án và Bộ Tư pháp và đều có ở 04 cấp hành chính (trung ương - tỉnh, thành phố - thành phố thuộc tỉnh - huyện). Từ năm 2006, Trung Quốc tiến hành cải cách tư pháp, đã bỏ pháp y ở ngành Toà án, nhưng lại thành lập thêm cơ quan giám định xã hội về pháp y. Cơ quan này chủ yếu giám định thương tích nhẹ phục vụ giải quyết các tranh chấp dân sự nhỏ. Hiện nay, ở Trung Quốc lực lượng giám định viện pháp y có số lượng đông đảo nhất, chiếm 60%; thứ hai là lực lượng giám định viện của cơ quan giám định xã hội; thứ ba là ngành Kiểm sát, còn Y tế, Quân đội và Tư pháp chiếm số lượng ít nhất. Pháp y Công an và pháp y Kiểm sát đảm trách vai trò chính trong giám định pháp y phục vụ điều tra, xử lý các vụ án hình sự.
Ở lĩnh vực KTHS, Trung Quốc cũng có cơ quan KTHS trong hệ thống ngành Công an từ Trung ương đến cấp huyện. Chức năng nhiệm vụ và tổ chức bộ máy các cơ quan KTHS của Công an Trung Quốc cũng giống như của Công an Việt Nam hiện nay.
Thực hiện chủ trương xã hội hoá công tác giám định, ngày 26.02.2005 Thủ tướng Chính phủ Trung Quốc đã ký Nghị định cho phép lập các tổ chức giám định tư nhân, chủ yếu trên các lĩnh vực chữ viết, chữ ký và vân tay, phục vụ cho việc xác thực các hợp đồng, tài liệu, chúc thư khi công chứng, thế chấp vay vốn ngân hàng... nói chung là phục vụ các giao dịch dân sự. Nghị định của Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp quản lý các tổ chức giám định tư nhân, trong đó quy định rất chặt chẽ về trình độ người giám định, trang bị phương tiện, kinh phí giám định và việc sử dụng kết qủa giám định
- Hoa Kỳ:
Trong cơ quan điều tra của Hoa Kỳ (FBI) thuộc Bộ Tư pháp có cơ quan KTHS làm chức năng giám định tư pháp KTHS khi có trưng cầu của các cơ quan tố tụng. Còn giám định pháp y và pháp y tâm thần thì thuộc chức năng của ngành Y tế.
- Cộng hòa Singapore:
Singapore là quốc gia nhỏ, dân số ít nên tổ chức bộ máy tư pháp và bổ trợ tư pháp không giống bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới. Ở Singapore, cơ quan giám định pháp y và KTHS nằm ngoài lực lượng Cảnh sát, thuộc trung tâm y tế. Tuy nhiên tàng thư (cơ sở dữ liệu) gen tội phạm, tàng thư căn cước can phạm và giám định dấu vết đường vân thì trực thuộc cơ quan Cảnh sát. Trong giám định gen, khi cần khai thác cơ sở dữ liệu thì cơ quan giám định phải liên hệ với cơ quan Cảnh  sát.
- Vương quốc Anh:
Ở Vương quốc Anh, giám định pháp y và pháp y tâm thần thuộc chức năng của ngành Y tế. Còn giám định KTHS được tổ chức thành các phòng thí nghiệm ở các khu vực và 01 viện nghiên cứu. Có 05 phòng thí nghiệm thuộc Chính phủ và 03 phòng thí nghiệm tư nhân.
Trước đây 10-12 năm, Chính phủ Anh quyết định tư nhân hóa và cổ phần hoá (xã hội hoá) một số phòng thí nghiệm giám định KTHS. Lợi ích ban đầu mang lại là khi tư nhân hoá, cổ phần hoá thì Nhà nước thu một khoản tài chính lớn, tạo được sự cạnh tranh giữa các phòng thí nghiệm của nhà nước với tư nhân và giữa các phòng thí nghiệm tư nhân với nhau, huy động được nhiều lực lượng khoa học tham gia, có nhiều phát minh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật được thực hiện để nâng cao năng lực giám định.
Tuy nhiên, những năm gần đây, các cơ quan tố tụng đã gặp nhiều khó khăn khi trưng cầu các phòng thí nghiệm tư nhân giám định vì chi phí giám định cao. Một số bất cập khác nữa là phòng thí nghiệm tư nhân thường không đầu tư kinh phí xây dựng các loại tàng thư, cơ sở dữ liệu, mà cơ quan giám định của Cảnh sát phải đầu tư làm phần việc này, mà cũng chỉ cơ quan giám định của Cảnh sát mới làm được việc thu mẫu ở các cơ quan, tổ chức, công dân để xây dựng cơ sở dữ liệu, do vậy việc quản lý và khai thác rất phức tạp.
- Liên bang Úc:
Ở Liên bang Úc, giám định pháp y và pháp y tâm thần thuộc ngành Y tế. Còn giám định KTHS thì thuộc lực lượng Cảnh sát. Úc có Viện KHHS liên bang và Viện KHHS các bang có chức năng thực hiện giám định tư pháp KTHS. Riêng giám định âm thanh thì lại thuộc nhiệm vụ ở Trường Đại học Tổng hợp.
- Cộng hoà Cu Ba:
 Ở Cu Ba, giám định KTHS thuộc cơ quan Công an các cấp. Còn giám định pháp y và pháp y tâm thần thì thuộc chức năng của ngành Y tế.
- Cộng hoà Ấn Độ:
Ở Ấn Độ, giám định pháp y và pháp y tâm thần thuộc chức năng của ngành Y tế. Còn giám định KTHS được thực hiện ở Viện KHHS liên bang, Viện KHHS các bang và các khu vực:
- Liên bang Nga:
Năm 2001, Quốc hội Nga ban hành Luật giám định tư pháp. Ở Liên bang Nga, Viện KHHS Bộ Nội vụ Liên bang tổ chức thực hiện tất cả các loại hình giám định tư pháp phục vụ tố tụng hình sự theo yêu cầu của cơ quan điều tra (KTHS, tài chính, xây dựng...). Ở Viện KHHS cũng có cơ quan giám định nhưng chủ yếu là giải quyết các yêu cầu dân sự (theo yêu cầu của toà án).
Giám định pháp y cũng chỉ có ở Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và Cơ quan An ninh. Riêng phương pháp Geraximốp (dựng chân dung người qua hộp sọ) chỉ được tiến hành ở Viện KHHS Bộ Nội vụ.
Từ những dẫn chứng trên cho thấy tổ chức hoạt động GĐTP trên thế giới rất đa dạng, không có một mô hình chung  bắt buộc tuỳ theo điều kiện cụ thể ở mỗi quốc gia, nhưng chắc chắn các mô hình đang phát huy hiệu qủa của nó. Cái gì muốn tồn tại đều phải có “cái lí” của nó, nếu không nó đã biến mất rồi, nhất là ở những nước đã có nền văn minh pháp luật tiên tiến: nhìn chung, hầu hết các nước trên thế giới, giám định pháp y và pháp y tâm thần được giao cho ngành Y tế đảm trách, giám định KTHS thuộc chức năng của ngành Công an. Hai lĩnh vự giám định này thường tổ chức thành các cơ quan chuyên trách và có giám định viên được bổ nhiệm hoặc được công nhận làm việc gần chuyên trách, vì thường xuyên có yêu cầu giám định của các cơ quan tố tụng.
Các loại giám định khác (xây dưng, tài chính, ngân hàng, văn hoá...) đều giao cho các cơ sở khoa học (các Viện nghiên cứu khoa học) của các ngành chức năng đảm trách dưới hình thức kiêm nhiệm (giám định theo vụ việc khi có trưng cầu của các cơ quan tố tụng).
Qua những buổi làm việc và trao đổi với một số đồng nghiệp của các quốc gia trên, chúng tôi cũng thống nhất quan điểm: Giám định viên KTHS dù ở đâu cũng phải tuân theo pháp luật và phải làm việc theo đúng quy chuẩn chuyên môn. Có nghĩa là kết luận giám định (KLGĐ) được đưa ra bao giờ cũng phải đảm bảo tính khách quan, khoa học. Xem xét trên phương diện chứng cứ pháp lý  thì KLGĐ chỉ là một trong nhiều nguồn chứng cứ (không phải là duy nhất)  phục vụ cho điều tra, xử lý vụ việc, nên KLGĐ không thể (trong tuyệt đại đa số các vụ việc) làm thay đổi được nhận thức và sự thật khách quan để dẫn đến oan, sai... Mặt khác, giám định viên KTHS làm việc trong lực lượng Cảnh sát là cơ quan bảo vệ pháp luật, có tính kỷ luật cao, phục vụ bất kỳ điều kiện nào (ngày, đêm, ngày nghỉ, ngày lễ, mưa, rét...) không hạch toán kinh tế. Ngoài ra, công tác giám định còn phục vụ các yêu cầu bảo vệ pháp luật và an ninh trật tự khác như đề xuất các biện pháp phát hiện, phòng ngừa tội phạm qua công tác giám định..., nên không thể “dân sự hoá” hoặc “xã hội hoá” rộng rãi được. Ở châu Âu, sau những tranh luận kéo dài, cuối cùng các quốc gia đã phải đi đến thống nhất là vẫn để giám định KTHS trong lực lượng Cảnh sát.
...
(Theo PGS TS Ngô Tiến Quý)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân