Tối 29/10/2010 Trần Đức Quân và Trần Hà Giang đi xe ôm do anh Nguyễn Văn Chung điều khiển từ ga Lào Cai về hướng Vạn Hoà. Đến khu vực vắng người ở thôn Cánh Chín tên Quân dùng dao đâm, Giang dùng dao chém nhiều nhát vào đầu, mặt, cổ và người anh Chung. Anh Chung chết tại chỗ, 2 tên lấy xe, lục tiền rồi chạy về hướng Cam Đường. Khi “cắm” xe không được đã bỏ chạy và bị LLCA bắt giữ. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lào Cai khởi tố và Viện KSND tỉnh Lào Cai truy tố về tội "Giết người, Cướp tài sản".
Ngày 13/01/2011 ông Trần Kim Hồng (bố đẻ Trần Đức Quân) có đơn trình bày là: từ nhỏ bị can từng điều trị bệnh "Động kinh" (không có hồ sơ bệnh án) và đề nghị Tòa cho đi giám định. Ngày 11/3/2011 tại phiên toà sơ thẩm, ông Hồng vẫn trình bày như đơn đã viết và Bs Lê Hồng Sơn (được Toà triệu tập) cũng xác nhận từng tư vấn cho gia đình về tình trạng bệnh tật năm 1998. Căn cứ vào đó TAND tỉnh đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung về tình trạng thần kinh, tâm thần của Trần Đức Quân.
Ý kiến Phòng KTHS về vấn đề này như sau:
1. Về lý thuyết:
1.1. Y học:
BỆnh ĐỘng kinh là một chứng bệnh hệ thần kinh do xáo trộn lập đi lập lại của một số nơron trong vỏ não tạo nhiều triệu chứng rối loạn thần kinh hệ như co giật của bắp thịt, cắn lưỡi, sùi bọt mép, mắt trợn ngược, bất tỉnh, mất kiểm soát tiểu tiện, hoặc gây cảm giác lạ, v.v, ...Cơn động kinh tự bộc phát, bệnh nhân khó kiểm soát hay biết trước được. Phân loại theo ảnh hưởng tới hành vi:
I. Động kinh cục bộ
A. Động kinh cục bộ đơn giản - không bị ảnh hưởng ý thức
- Triệu chứng cơ vận động
- Triệu chứng giác quan
- Triệu chứng hệ thần kinh tự quản
- Triệu chứng tâm thần
B. Động kinh cục bộ phức tạp - ý thức bị ảnh hưởng
- Động kinh cục bộ đơn giản ban đầu, tiếp sau là mất ý thức
- Mất ý thức ngay từ đầu
C. Động kinh cục bộ
- Động kinh cục bộ đơn giản
- Động kinh cục bộ phức tạp
- Động kinh cục bộ phối hợp.
II Động kinh toàn thân
A. Vắng ý thức
- Vắng ý thức thường
- Vắng ý thức bất thường
B. Động kinh giật cơ
C. Động kinh giật rung
D. Động kinh co cứng
E. Động kinh co cứng - giật rung
F. Động kinh không co cứng
III Các dạng động kinh không phân loại được
Thực tế pháp lý và điều trị có cách phân loại sau:
Động kinh toàn thể: có hai loại là cơn động kinh lớn và nhỏ
Cơn lớn: người bệnh mất ý thức hoàn toàn và co giật trong vòng 5-10 phút. Cơn khởi phát rất đột ngột, bệnh nhân bỗng dưng kêu lên một tiếng rồi ngã vật ra. Bệnh diễn biến theo ba giai đoạn:
- Giai đoạn tăng trương lực: toàn thân co cứng, răng cắn vào lưỡi, giật rung, co giật đột ngột toàn thân.
- Giai đoạn thoái lui: người bệnh thở ầm ĩ, đôi khi đái dầm.
- Khi tỉnh dậy, bệnh nhân hoàn toàn không nhớ chuyện vừa xảy ra.
Cơn nhỏ: còn gọi là cơn vắng ý thức, thường gặp ở trẻ từ 4 đến 6 tuổi và mất đi ở tuổi dậy thì. Trẻ đột nhiên bị mất ý thức trong vài giây, bất động, mắt nhìn trừng trừng. Tuy nhiên, trẻ không bị ngã và không hay biết đang trải qua cơn động kinh.
Động kinh cục bộ: gồm động kinh đơn giản và động kinh phức tạp.
- Động kinh đơn giản: người bệnh không rối loạn ý thức, song bị rối loạn vận động (co giật chỉ hạn chế ở một vùng) và rối loạn cảm giác (hoang tưởng).
- Động kinh phức tạp: người bệnh có rối loạn ý thức, có biểu hiện tâm thần vận động đơn giản như nhai tóp tép, giậm chân; hoặc phức tạp như bỏ nhà ra đi mà không hay biết.
BỆnh tâm thẦn là những bệnh do hoạt động của não bộ bị rối loạn gây nên những biến đổi bất thường về lời nói, ý tưởng, hành vi, tác phong, tình cảm,…
Bệnh Rối loạn tâm thần và hành vi, gồm 11 dạng:
- Rối loạn tâm thần thực thể bao gồm rối loạn tâm thần triệu chứng
- Rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng các chất tác động tâm thần
- Tâm thần phân liệt, rối loạn dạng phân liệt và rối loạn hoang tưởng
- Rối loạn khí sắc (cảm xúc)
- Loạn thần kinh, rối loạn liên quan đến stress và rối loạn dạng cơ thể
- Hội chứng hành vi kết hợp với rối loạn sinh lý và yếu tố thể chất
- Rối loạn nhân cách và hành vi ở người trưởng thành
- Chậm phát triển tâm thần
- Rối loạn phát triển tâm lý
- Rối loạn về hành vi và cảm xúc với sự khởi bệnh thường xảy ra ở lứa tuổi trẻ em và thiếu niên
- Rối loạn tâm thần không xác định
1.2. Phân biệt 2 bệnh:
Bệnh Động kinh (thuộc nhóm bệnh Thần kinh) không có rối loạn Tâm thần nhưng giữa hai bệnh có liên quan mật thiết với nhau: Những bệnh nhân động kinh có tổn thương vỏ não ít nhiều có rối loạn trí nhớ, cảm xúc, ý thức…Ngược lại những bệnh nhân loạn thần do giang mai, chấn thương sọ não…cũng có những triệu chứng về thần kinh riêng biệt. Song vẫn là 2 bệnh khác nhau và theo Phân loại bệnh tật quốc tế và những vấn đề liên quan đến sức khỏe (tiếng Anh: International Statistical Classification of Diseases and Related Health Problems, viết tắt ICD) phiên bản thứ 10 (từ 2005 đến nay) thì :
- Động kinh – Epilepsy (mã G40) thuộc nhóm Bệnh chu kỳ và kịch phát (Episodic and paroxysmal disorders), mã G40-G47 và nằm ở Chương VI: Bệnh hệ thần kinh (G00- G99).
- Còn Rối loạn tâm thần và hành vi thuộc Chương V gồm các bệnh có mã từ F00 đến F99. Trong đó hay gặp trong đời sống pháp lý là: Tâm thần phân liệt, rối loạn dạng phân liệt và rối loạn hoang tưởng (F20-F29) và Rối loạn về hành vi và cảm xúc với sự khởi bệnh thường xảy ra ở lứa tuổi trẻ em và thiếu niên (F90-F98).
1.3. Luật học:
Điều 13 Bộ luật hình sự năm 1999 số 15/1999/QH10 ngày 21/12/1999 về Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự quy định:
“Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng qui định tại khoản 1 Điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.”
2. Về hồ sơ “bệnh tật” của: Trần Đức Quân
- Để chứng minh mắc bệnh có: Đơn trình bầy của gia đình, xác nhận từng khám, tư vấn của Bs Lê Hồng Sơn ngoài ra không có tài liệu văn bản có tính pháp lý nào khác nên không đủ căn cứ kết luận giám định qua hồ sơ!
- Nếu trình bầy và lời chứng đó là đúng thì mắc bệnh “Động kinh cơn nhỏ, dạng Động kinh cục bộ” và bệnh này không “làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”
3. Về TNHS của Trần Đức Quân
- Thực tế cho thấy, về khía cạnh Hiện trường và Pháp y thì người mắc bệnh Tâm thần mà gây án sẽ có những điểm khác quy luật thông thường. Như: Công cụ gây án khác thường; Hành vi rất tàn bạo nhưng không rõ động cơ; Không có hành vi che dấu tội phạm; Không lục soát tài sản…
- Hồ sơ phản ánh Quân là người chủ động rủ Giang từ Hà Nội lên và bàn bạc sắp đặt việc gây án. Đồng thời trong quá trình gaya án, Quân luôn chủ động, tích cực mua hung khí, chọn đối tượng gây án, ra hiệu hành động, giữ tay anh Chung, đâm nhiều nhát, lục soát lấy tiền và bớt tiền khi chia cho Giang…Chứng tỏ Quân rất bình tĩnh, suy nghĩ, tính toán kỹ…
- Như vậy, về khía cạnh giám định tư pháp, trường hợp này không thuộc đối tượng điều chỉnh của Điều 13 BLHS1999. Hơn nữa động kinh cơ nhỏ còn gọi là cơn vắng ý thức, thường gặp ở trẻ từ 4 đến 6 tuổi và mất đi ở tuổi dậy thì.
4. Vấn đề có hay không đi giám định tâm thần:
4.1. Giám định pháp y tâm thần là một chuyên ngành sâu trong tâm thần học, là công việc đặc thù và hết sức phức tạp trong hệ thống giám định tư pháp; là chuyên ngành khoa học nghiên cứu khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của người bệnh tâm thần ở từng thời điểm nhất định hoặc trong suốt quá trình trị bệnh. Nó thường gắn với việc thực hiện các quy định điều trị bắt buộc của Luật hình sự tại điều 13, điều 43 điều 44. Trình tự và thủ tục đã được quy định tại Luật tố tụng hình sự tại điều 311 điều 315 điều 317. Thông tư liên tịch số 03/TTLT ngày 24/ 9/ 1997, Luật bảo vệ sức khoẻ nhân dân điều 29 đã có những quy định khá đầy đủ với từng giai đoạn cụ thể (ĐT, TT, XX, THA).
4.2. Thủ tục chung:
- Có hồ sơ sức khỏe từ trước đến nay và liên tục;
- Hồ sơ diễn biến vụ án;
- Thời gian thực hiện kéo dài, mất ít nhất từ 10 đến 15 ngày, thậm chí 30 ngày theo dõi diễn biến tình trạng tâm thần của đối tượng tại cơ sở giám định.
4.3. Trường hợp này:
- Không có hồ sơ theo dõi sức khỏe (trong đó có sức khỏe tâm thần) từ nhỏ đến trước khi gây án cũng như từ khi gây án đến nay.
- Nếu kết luận thì chắc chắn các GĐV cũng chỉ kết luận về tình trạng tâm thần hiện tại nên giá trị tham khảo quyết định rất thấp.
Tóm lại ở trường hợp này:
Giám định pháp y tâm thần là một chuyên ngành riêng, không thuộc chức năng của PC54 nhưng với tư cách là Trưởng phòng KTHS, cơ quan giám định tư pháp thuộc Công an tỉnh, từ những diễn giải về mặt chuyên môn y học, về giám định tư pháp và luật TTHS, luật HS liên quan đến GĐTP, ý kiến của tôi là:
1. Hồ sơ bệnh tật thiếu, không phải là những tư liệu được thu thập theo đúng trình tự TTHS để cơ quan giám định tin tưởng, sử dụng làm căn cứ. Do vậy không có giá trị sử dụng để “giám định qua hồ sơ” kết luận bị can có hay không bị “Động kinh”.
2. Giả sử có bị Động kinh thì tình trạng bệnh tật này thuộc mã bệnh G40 nằm ở Chương VI (G00 đến G99), còn Rối loạn tâm thần và hành vi thuộc Chương V gồm các bệnh có mã từ F00 đến F99 trong Phân loại bệnh tật quốc tế và những vấn đề liên quan đến sức khỏe phiên bản thứ 10, viết tắt ICD10 cho nên không thuộc đối tượng “ không phải chịu trách nhiệm hình sự …, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh”. Hơn nữa động kinh tuổi nhỏ đã khỏi.
3. Tháng 11/2010 tại 1 Hội nghị Khoa học có đề tài của Ths.Ngô Văn Vinh (Q.Viện trưởng Viện Giám định Pháp y Tâm thần Trung ương) "Nghiên cứu yếu tố thúc đầy hành vi phạm tội ở bệnh nhân động kinh trong giám định pháp y tâm thần". Tác giả cho rằng: Đặc điểm ở thể động kinh tâm thần và những BNĐK có biến đổi nhân cách thường xuyên có hành vi nguy hiểm cho BN và những người xung quanh buộc cơ quan pháp luật phải can thiệp. Thời điểm phạm tội xảy ra chủ yếu ở giai đoạn ngoài cơn ĐK mà yếu tố thúc đẩy phạm tội phần lớn là do các yếu tố ngoại lai và chủ yếu gặp yếu tố tâm lý - xã hội. Nhưng không rõ đã được nghiệm thu chưa ? và có được các cơ quan tư pháp công nhận không ?.
4. Nếu có đưa đi giám định tâm thần thì chỉ giám định được tình trạng hiện tại chứ không có căn cứ xác định tình trạng tâm thần trước và trong khi gây án. Hơn nữa đưa một người nghi mắc bệnh Động kinh cho đi giám định Tâm thần (2 loại bệnh khác nhau) có đúng không? KLGĐ dựa vào một Đề tài chưa được sử dụng làm “chuẩn” liệu có giá trị khi quyết án?
5. Mặt khác, ở trường hợp này, theo quy định chung, thì đây là trong thời gian xét xử TA có nghi ngờ đối tượng có bất thường về tâm thần, thì toà án phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần. Nếu Hội đồng giám định kết luận họ không bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng theo thủ tục chung. Trong trường hợp Hội đồng giám định kết luận họ bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định, toà án ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đồng thời ra quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với người bị bắt buộc chữa bệnh (căn cứ vào từng trường hợp cụ thể quy định tại điều 13 Bộ luật hình sự). Quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh để tổ chức hoặc phối hợp với trại tạm giam (trong trường hợp đối tượng đang bị tạm giam) đưa người bị bắt buộc chữa bệnh đến cơ sở chuyên khoa y tế quy định để điều trị.
Vĩ thanh:
Ngày 14/4/2010 TAND tỉnh Lào Cai đã mở phiên tòa sơ thẩm tuyên “Trần Đức Quân và Trần Hà Giang phạm tội giết người + cướp tài sản” và giành cho 2 bị cáo nhưng hình phạt nghiêm minh, tương xứng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân