Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2009

Kỷ niệm 60 năm NGÀY TRUYỀN THỐNG LLVT QUÂN KHU II



Trấn nơi “Phên dậu quốc gia”
60 năm ấy, bây giờ là đây.


LLVT Quân khu II là một bộ phận hợp thành của LLVTND Việt Nam anh hùng; được sinh thành, nuôi dưỡng, chiến đấu, công tác nơi Địa linh, nhân kiệt; được ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt; được kế tiếp truyền thống cha ông và những tổ chức tiền thân. Do đó đã không ngừng trưởng thành lớn mạnh. Điều đó từ ngàn xưa cha ông ta đã đúc kết: "rễ có rộng thì cành mới tốt, nguồn có sâu thì dòng mới dồi dào".


Theo quy luật thông thường, mỗi cơ quan, tổ chức đều có một danh xưng; có ngày thành lập, ngày truyền thống. Muốn hiểu được sâu xa, thấu đáo truyền thống của một tổ chức hay ý nghĩa của ngày truyền thống phải hiểu rõ cội nguồn, cần đi ngược lại lịch sử để tìm về những tiền đề hình thành, quá trình phát triển, đặc biệt là những bước ngoặt lịch sử.

1. Những đơn vị tiền thân khai cuộc:

Trước yêu cầu của nhiệm vụ Cách mạng, trên địa bàn thuộc Quân khu II ngày nay, từ cuối 1945 đến cuối 1946 ta đã tổ chức thành lập nhiều đơn vị Vệ quốc đoàn. Chi đội Trưng Trắc ở Vĩnh Yên xây dựng thành Trung đoàn 87 với 2 Tiểu đoàn;Chi đội Giải phóng quân Hùng Vương ở Phú Thọ xây dựng thành Trung đoàn 92 Phú Yên, có 3 Tiểu đoàn;hai Tiểu đoàn ở Lào Cai và Hà Giang xây dựng thành Trung đoàn 171 Lao Hà, có 3 Tiểu đoàn;6 Trung đội ở Tuyên Quang xây dựng thành Trung đoàn 112, có 2 Tiểu đoàn; một bộ phận của Chi đội Giải phóng quân Hùng Vương tách ra xây dựng thành Tiểu đoàn độc lập 221 Phú Thọ;1 Tiểu đoàn của Chiến khu 2 lên cùng Chi đội 3 (7 Đại đội Tây Tiến) xây dựng thành Trung đoàn 148 ở Sơn La, có 3 Tiểu đoàn. Các Trung đoàn này đặt dưới sự chỉ huy của Khu.

Tại các địa phương thành lập bộ đội cảnh vệ: mỗi tỉnh một Đại đội, mỗi huyện 1 Trung đội có nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan chính quyền tại địa phương. Ngoài ra ccá thôn, bản đều có dân quân, các khu phố, nhà máy, cơ quan đều co các đội tự vệ thường xuyên luyện tập.

Đây chính là những đơn vị đầu tiên, đặt nền móng cho việc hình thành, phát triển LLVT Quân khu II từ 19/10/1946 trở đi.

Ngay sau khi Chiến khu X được thành lập, Dưới sự lãnh đạo của Khu uỷ và sự chỉ đạo của Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tư lệnh Chiến khu được thiết lập. Để đảm bảo công tác chỉ huy, tác chiến, đào tạo huấn luyện cán bộ các Cục trực thuộc cũng được thành lập. Gồm: Bộ Tham Mưu, Cục Chính trị, Cục Hậu cần (19/10/1946), đến 04/01/1947 Trường Quân sự Quân khu ra đời. Như thế đến ngày 19/10/1946 bộ máy chỉ đạo công tác quân sự của Chiến khu X đã hoàn chỉnh.

Do hoàn cảnh lịch sử, LLVT một số tỉnh trên địa bàn được tổ chức thống nhất trong giai đoạn Tổng khởi nghĩa tháng Tám, tức là trước thời điểm 19/10/1946 nói trên. Đó là LLVT tỉnh Yên Bái (06/7/1945), LLVT tỉnh Phú Thọ (30/8/1945), LLVT tỉnh Sơn La (26/8/1945). Đa số các tỉnh LLVT được tổ chức thống nhất sau thời điểm họp Hội nghị Quân sự toàn quốc. Đó là các tỉnh: Vĩnh Phúc (13/6/1950), Tuyên Quang (17/4/1947), Hà Giang (15/10/1947), Lào Cai (02/4/1948), Điện Biên và Lai Châu (29/02/1952). Ngoài các Trung đoàn, Tiểu đoàn độc lập và bộ đội địa phương, Quân khu II hiện nay có 2 Sư đoàn chủ lực là F316 và F355. Trong đó Sư đoàn 316, chính là Đại đoàn 316, được thành lập ngày 01/5/1951 ở Lạng Sơn và là Đại đoàn tham gia lập công trong các chiến dịch lớn ở địa bàn trong kháng chiến chống Pháp, trên cả nước trong kháng chiến chống Mĩ và trên nước bạn Lào trong cả 2 cuộc kháng chiến. Trong đó có Chiến dịch Điên Biên Phủ lịch sử. Đồng thời trên mảnh đất này cũng là nơi sinh ra Đại đoàn bộ binh 312 (thành lập 27/12/1950 ở Phú Thọ) và Đại đoàn Công pháo 351 (thành lập 27/3/1951 ở Tuyên Quang).

Theo yêu cầu Cách mạng, và sự phát triển chung, các bộ phận hợp thnàh LLVT Quân khu II cũng ngày càng bổ xung, lớn mạnh. Trong kháng chiến chống Mĩ ta lập thêm Lữ đoàn 297 (27/6/1972), Trung đoàn 82 (19/5/1973). Những năm thực hiện quyền tự vệ bảo vệ biên giới, ta thành lập: Lữ đoàn 168 (16/8/1978), Trung đoàn 604 (09/9/1978), Sư đoàn 355 (04/5/1979), Cục Kĩ thuật (23/4/1979), Trung đoàn 406 (23/10/1979). Trong thời kì đổi mới Quân khu có thêm Đoàn 379 (05/8/1999), Đoàn 326 (14/6/2002), Công ty Tây Bắc (03/8/1993) Trường DN số 2 (07/10/2002).

Như thế, cho đến nay Quân Khu II có 26 đầu mối trực thuộc là: Bộ Tham mưu, 3 Cục, 2 Sư đoàn, 3 Lữ đoàn, 3 Trung đoàn, 2 Đoàn, 2 Trường và 1 Công ty cùng 9 Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh. Các bộ phận hợp thành dần hoàn chỉnh đã tạo cho Quân khu có một sưc mạnh đủ đảm đương hoàn thành mọi nhiệm vụ, xây dựng quân đội trong sạch, vững mạnh, chính quy, từng bước hiện đại.

Riêng Lào Cai, những tháng đầu năm 1948 là thời kỳ khó khăn nhất. Các cơ quan, đơn vị của quân và dân Lào Cai phải sống nhờ trên đất Lục Yên (Yên Bái), nhưng với tư duy và quan điểm kháng chiến đúng đắn, đảng bộ đã lãnh đạo quân và dân Lào Cai từng bước giành lại thế chủ động bằng những việc làm thiết thực: Thành lập ban xung phong quyết thắng gồm đại đội vũ trang tuyên truyền 888, trung đoàn 171, và trung đoàn cảnh vệ của tỉnh trở về Lào Cai, xây dựng lực lượng du kích tại chỗ, phát động chiến tranh du kích rộng khắp . Đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh quân sự bằng các hình thức tác chiến phục kích, tập kích, du kích chiến, vận động chiến đấu để tiêu hao sinh lực địch, vận động nhân dân vừa sản xuất, tích trữ lương thực, vừa tham gia chiến đấu .

Ngày 2 tháng 4 năm 1948, tại chân đèo Mận thuộc thôn Làng Già xã Yên Thế huyện Lục Yên. Tỉnh đội bộ dân quân Lào Cai được thành lập gồm 13 đồng chí. Đồng chí Hoàng Mạnh Trung làm Tỉnh đội trưởng, đồng chí Nguyễn Thư Viện làm chính trị viên, ngoài ra còn 53 du kích thoát ly là lực lượng thường trực chiến đấu của tỉnh . Từ đây LLVT lào Cai đã có sự lãnh đạo, chỉ huy thống nhất, nhiều hoạt động triển khai có hiệu quả lớn. Đầu tiên là hoạt động của Ban Xung phong Quyết thắng. Tiếp theo, ngày 13/12/1948 phát động quần chúng nổi dậy đấu tranh vũ trang ở xã Cam Đường, Gia Phú, Xuân Giao nổ ra, đã hạ hàng chục đồn, tiêu diệt hàng trăm tên địch. Ba xã được giải phóng với diện tích trên 300 km2 trở thành an toàn khu, căn cứ tự do của Lào Cai và sau đó phát triển đến các huyện thị trong tỉnh. Từ đó LLVT tỉnh Lào Cai vừa chiến đấu, vừa xây dựng, tham gia tích cực các chiến dịch do Bộ Tổng tư lệnh và Bộ Tư lệnh Quân khu mở trên địa bàn, tham gia các trận đánh Pháp, tiễu phỉ theo ý đồ tác chiến của Tỉnh đội, lập nhiều chiến công góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi. LLVT Lào Cai không ngừng lớn mạnh về quân số, quy mô tổ chức, trang bị, trình độ văn hoá, chuyên môn kĩ thuật, tác chiếnẶtrong các đơn vị thường trực, lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ.

3. Ngày truyền thống đã được nhận ghi:

Như trên đã viết, ngày 19/10/1946 (ngày họp Hội nghị quân sự toàn quốc) là ngày mà Chiến khu X được thành lập. Cùng với đó là việc hình thành Bộ Tư lệnh, Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Hậu cần. Như vậy bộ máy đã hoàn chỉnh, thống nhất về lãnh đạo và chỉ huy đối với LLVT toàn khu. Hơn thế nữa, Chiến khu X lúc đó gồm 6 tỉnh (Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai), tức là phần lớn các tỉnh thuộc địa bàn Quân khu II ngày nay. Khi đó Sơn La, Lai Châu (bao gồm 2 tỉnh Lai Châu mới và Điện Biên) thuộc Chiến khu II. Sau nhiều lần thay đổi, từ ngày 01/7/1978 đến nay địa bàn quân khu II gồm 9 tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu và Điện Biên.

Để xác định ngày truyền thống của LLVT Quân khu II, Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh Quân khu đã có một quá trình nghiên cứu, chuẩn bị làm sáng tỏ nhiều vấn đề quan trọng trong lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển của LLVT Quân khu. Quá trình đó có việc xác định một cách khách quan, khoa học thời điểm quan trọng đó sao cho phù hợp với thực tiễn lịch sử. Nhiều cán bộ lão thành, các nhà quân sự, tổ chức, chính trị, lịch sử quân sự đã nêu ý kiến, đã mở Hội thảo khoa học (ngày 16/10/1993). Trong đó có cả ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ngày 24/12/1993). Tất cả đều đi đến một điểm chung về ý nghĩa ngày 19/10/1946 đối với LLVT Quân khu như phân tích ở trên.

Từ những căn cứ đó, ngày 08/9/1995, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 794/QĐ-BQP công nhận Ngày 19 tháng 10 năm 1946 là ngày truyền thống của LLVT Quân khu II.

4. Nghĩ về̀ 10 chữ vàng truyền thống :

Kỉ niệm ngày truyền thống LLVT Quân khu II vào mùa Thu thứ Sáu của Thiên niên kỉ mới. Nhiều sự kiện trọng đại của Cách mạng, của Tây Bắc gắn với mùa Thu và cũng chính điều đó làm cho mùa Thu đất nước, Thu biên cương thêm tươi sáng, mang đầy ý nghĩa.

60 năm được Đảng sinh thành, nhân dân nuôi dưỡng và giao phó trọng trách, LLVT Quân khu II đã thực sự trở thành nòng cốt trong công cuộc kháng chiến cứu nước, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước tại vùng Phên dậu quốc gia; xây đắp nên truyền thống: “Trung thành, tự lực, đoàn kết, anh dũng, chiến thắng”, đóng góp để thực sự có "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng " . Để có được 10 chữ vàng đó, nhân dân và các LLVT Quân khu đã phải đổ bao mồ hôi, xương máu, hao tốn bao tài sản, của tiền.

Thực tiễn đã chứng minh rằng: với lòng trung thành, bản lĩnh vững vàng, tinh thần tự chủ, đoàn kết và ý chí quyết thắng, LLVT luôn chủ động, sáng tạo, xung kích khắc phục khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và những người lính vùng Địa linh Nhân kiệt đã cùng Đảng bộ, nhân dân các địa phương tháo gỡ khó khăn, xoay chuyển tình thế, vững bước tiến lên.

Chính tổ chức, xây dựng, nuôi dưỡng được một đội quân công tác, chiến đấu và sản xuất như thế mà vùng đất này ngày thêm bừng sáng. Nơi phên dậu của Tổ quốc từng thậm thình tiếng chầy giã gạo; từng âm vang lời thề Nghĩa Lĩnh; từng gióng tiếng trống đồng làm dựng tóc giặc Bắc phương; từng đốt hoả hiệu cấp báo, dùng gậy tre đập vó ngựa quân Nguyên, từng nổi dậy giữ đất, giữ mường; từng kéo quân về làm nên chiến thắng Cầu Giấy... trong thời đại mới lại sáng những trang sử hào hùng. Nơi đây từng rền vang tiếng súng nhổ đồn, tiếng mìn nhấn chìm tầu Pháp; tiếng hò kéo pháo, tiếng “voi” gầm ở Điện Biên; rồi tiễu phỉ, truy lùng biệt kích; giăng thế trận lật nhào uy thế không lực Hoa Kỳ; kiên cường chống trả quân "xâm lược bành trướng"; rộn ràng nhát cuốc, tiếng máy tìm quặng, mở đường, ngăn sông, bạt núi; hối hả, vững vàng đi lên trong thời đổi mới...Bất cứ sự kiện nào, thành quả nào cũng có công sức và máu xương của LLVT Quân khu.

Nhìn lại chặng đường đã qua, càng thêm tự hào, trân trọng quá khứ càng thấm thía công ơn của Bác, của Đảng, của dân. Những gương chiến đấu hi sinh của CBCS lớp trước cũng như những gương sáng trong công cuộc đổi mới để lại cho chúng ta và hậu thế niềm cảm phục, biết ơn.

Chặng đường vẻ vang đã qua trao lại cho những năm tiếp theo một hành trang quý giá đồng thời cũng phó thác một trọng trách cần gánh vác do những gì còn chưa làm được và cả những gì mới phát sinh.

Thế và lực được hình thành qua các giai đoạn trước đây; được tích luỹ trong thời kì đổi mới; được tạo ra trong nhiệm kỳ Đại hội IX là bệ phóng để chúng ta tranh thủ Thời cơ, Vận hội, nêu cao ý chí tự lực tự cường, tự tôn dân tộc, vượt mọi khó khăn thử thách mà tiến công vào nghèo nàn, lạc hậu, đẩy mạnh HĐH, CNH đất nước, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ANCT và TTATXH. Thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức đan xen nhau. Nhưng tương lai là tươi sáng. So với lớp cha anh, hành trang chúng ta sau Đại hội X rất nhiều điểm xuất phát cao hơn. Đó không phải là lạc quan tếu mà là niềm tin có cơ sở từ thực tiễn, tiềm năng.

Riêng vùng đất quân khu II, tôi tin rằng, với tiềm năng thuận lợi về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý...; với cơ chế thông thoáng, sự thu hút đầu tư hấp dẫn lại có LLVT kiên trung, sáng tạo, quyết thắng, một tương lai không xa, vùng đất này sẽ vươn lên xứng đáng là tiền đồn Tây Bắc của Tổ quốc trên mọi phương diện.

Để có được bức tranh đó, nhân dân và các LLVT Quân khu II còn nhiều việc phải làm. Đó là về xây dựng địa bàn phòng thủ, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận ANND; xây dựng kinh tế kết hợp củng cố ANQP...

60 năm qua, bên cạnh kì tích, LLVT Quân khu cũng còn những yếu kém, khuyết điểm. Song với bản chất cách mạng, khoa học và tính chiến đấu của Đảng, truyền thống của dân tộc, quê hương, của Quân đội, dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội X toàn quốc, Đại hội VI Đảng bộ Quân khu, Đại hội đảng bộ các tỉnh họp 2005 chúng ta nhất định sẽ thành công, vững bước trong thời gian tới.

Đón Thu 2006, chúng ta mừng Đất nước vững bước, mừng Dân tộc trường tồn, mừng LLVT Quân khu II vào tuổi Đại khánh 60. Nhân dân 34 dân tộc anh em trong vùng chúc LLVT của mình thêm dồi dào trí lực, thực hiện tốt xây dựng quân đội Trong sạch, vững mạnh, chính quy, từng bước hiện đại, đủ sức, đủ tài, đủ lực đảm nhận trọng trách mà Đất nước, Dân tộc, Đảng, Nhân dân trọn niềm tin giao phó.



(Trích trả lời Câu 1 và Câu 5 Bài dự thi "Tìm hiểu 60 năm truyền thống LLVT Quân khu II" của Lương Đức Hải Thương (đạt Giải đặc biệt cấp Quân khu, hè 2006))


1 nhận xét:

  1. ban có bái nào viet ve cam nghi ve truyen thong cua quân khhu không?

    Trả lờiXóa

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân